Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 17/CĐ-TTg về việc tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu.
Công điện nêu rõ: Những năm gần đây, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm 2023 và là đối tác Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao.
Với tác động tích cực có ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh, kéo theo đó là triển vọng thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng… chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh Châu Âu.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xuất khẩu và chuỗi bễn vững đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU và các cam kết phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng… cần tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, kế hoạch hành động của địa phương về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh. Đặc biệt ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, hành động thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, thu hồi, tái sử dụng tái chế chất thải, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đổi mới ứng dụng công nghệ, áp dụng các mô hình bền vững, tuần hoàn.
Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi tuần hoàn nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, năng lượng, phát triển nguyên vật liệu tái chế, tái tạo…
Tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng nghiên cứu và phát triển các nguyên, nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo; các hóa chất xanh, thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững.
Công điện cũng yêu cầu xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế; thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ xanh nhằm kết nối cung cầu các sản phẩm bền vững, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái; thúc đẩy liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu.
Đồng thời nâng cao năng lực, đào tạo phổ biến các quy định chính sách pháp luật trong nước và quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hiện quản trị môi trường xã hội đáp ứng yêu cầu quốc tế về báo cáo thông tin liên quan đến môi trường, phát thải khí nhà kính, các quy định, thủ tục quốc tế về khai báo, thông tin về các yếu tố "xanh, bền vững, hữu cơ" của sản phẩm; các quy định về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số.
Rà soát, nghiên cứu các chính sách xanh tại Thỏa thuận xanh Châu Âu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.
Hồng Hương
Link gốc