Nhìn vào số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng trong tháng đầu tiên của năm 2025 để thấy khả năng trụ vững của khối nội vẫn còn đầy chông gai. Điều này rất cần tạo lối đi mới, tìm ra con đường mới, mô hình mới, phát huy sức mạnh nội sinh mới nhằm trụ vững trước thách thức rủi ro thương mại toàn cầu và trong nước được ví như những “cơn giông”.
Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành thực phẩm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang, cho biết điều mà DN quan tâm nhất hiện nay là vấn đề thị trường tiêu thụ. Chúng ta không thể chỉ giới hạn trong phạm vi tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề thị trường mà nên tập trung thực hiện nhiều hơn những chương trình xúc tiến thương mại một cách cụ thể ra nước ngoài, tìm kiếm thị trường để dẫn dắt cho các DN có các cơ hội tiếp cận nhiều hơn với khách hàng quốc tế.
Đối mặt với cạnh tranh và quy luật đào thải
Còn với thực tại như hiện nay, qua trao đổi với VnBusiness, ông Tuấn bày tỏ băn khoăn là dù cho chúng ta có tổ chức đến trăm sự kiện hội nghị, hội thảo về thị trường mà thiếu thực thi các chương trình hành động mới, sát sườn với DN thì cũng chỉ loanh quanh ở trong “ao làng” mà thôi.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250207/images/-3462-1738836368_1200x0.png)
Những thách thức toàn cầu và trong nước đang cần các DN nội địa tìm ra con đường mới, mô hình mới để đứng vững và tăng trưởng tốt.
Song song đó, không riêng gì ngành thực phẩm, vị giám đốc này lưu ý các ngành nghề khác của khối nội đang rất cần chương trình hành động mới, thực hiện lối đi mới hiệu quả hơn để trụ vững trên “sân nhà” trước nhiều mối lo rủi ro, biến động trong năm 2025 này.
Những chia sẻ như vậy rất cần các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách chú tâm hơn. Nhất là khi nhìn vào tình hình “sức khỏe” của DN nội địa vẫn còn đầy mối lo phía trước. Như số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra vào ngày 6/2 cho thấy trong tháng đầu tiên của năm 2025 có 52,8 nghìn DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Số DN rút lui khỏi thị trường là 58,3 nghìn DN, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đó là chưa kể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy khi thị trường luôn cạnh tranh cao thì quy luật đào thải khắc nghiệt là khó tránh khỏi. Và thách thức về mặt thị trường của năm 2025 cũng sẽ không ít hơn các năm vừa qua. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại quy mô lớn, sự phục hồi trở lại của các đối thủ cạnh tranh sau một năm bất ổn sẽ đưa nguồn cung trở lại rất lớn…
Thực ra, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, vì vậy các DN Việt cần có tầm nhìn xa và phát triển năng lực để ứng phó với những áp lực này. Còn nếu như họ vẫn loay hoay với lối đi cũ thì con số rút lui khỏi thị trường sẽ càng kéo dài ra.
Để hóa giải phần nào sức ép cạnh tranh cũng như trước dự đoán có những “cơn giông” đầy biến động trong thời gian tới, Ts. Scott McDonald, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics nhấn mạnh đối với DN Việt, điều cần thiết là phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng, thay vì chỉ cạnh tranh về giá. Họ cũng cần thực hiện nhanh việc chuyển đổi số, thích ứng tốt với môi trường thương mại điện tử đang thay đổi và củng cố sự hiện diện trực tuyến của mình.
Về phía các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách, theo Ts. McDonald, họ cần xây dựng cơ chế giám sát cân bằng, vừa bảo vệ lợi ích trong nước, vừa không kìm hãm cạnh tranh hay đổi mới. Các nhà hoạch định chính sách, họ cần tập trung xây dựng các khuôn khổ hỗ trợ cho sự tiến bộ công nghệ, bao gồm các ưu đãi cho tự động hóa và chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy đổi mới thông qua giáo dục và hợp tác với các ngành công nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng các ngành công nghiệp trong nước có khả năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời đại số.
Tìm ra con đường mới, mô hình mới
Còn đứng ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian tới sẽ đa dạng hình thức xúc tiến, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các DN trong nước và phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số.
Và điều quan trọng trong thời gian tới là các DN nội địa cần tìm ra những con đường đi mới, mô hình mới trong sản xuất kinh doanh. Nhất là thực hiện những giải pháp cân bằng lại thị trường, phát triển thị trường mới linh hoạt, áp dụng quản trị số, tăng cường đầu tư về thiết bị công nghệ…
Với lối đi mới, như bộc bạch của ông Nguyễn Anh Tuấn, chỉ có tự lực, tự cường, phát huy mọi nguồn sức mạnh nội sinh mới mới giúp cho bản thân DN đứng vững trong giai đoạn đầy thách thức này.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, việc chủ động, sáng tạo, linh hoạt không ngừng, bám sát diễn biến của thị trường và đối thủ là cách thức quan trọng nhất để các DN nội địa tồn tại, có ý thức vươn lên mãnh liệt và có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng. Các DN Việt nên sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt.
Mặt khác, việc đẩy nhanh tốc độ đổi mới thông qua chuyển đổi số là rất cần thiết cho khối nội. Họ cũng nên nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thị trường ngách, tạo những giá trị riêng, tự xây dựng riêng những thế mạnh về công nghệ và thị trường để đảm bảo trụ vững.
Để các DN nội địa và kinh tế Việt Nam vững bước tăng trưởng trước thách thức toàn cầu và trong nước, Ts. Santiago Velasquez (Đại học RMIT), cho rằng cần áp dụng mô hình động cơ kép cân bằng giữa thế mạnh xuất khẩu và một thị trường trong nước vững chắc. Cách tiếp cận này không chỉ ổn định tăng trưởng mà còn tăng cường tính toàn diện của nền kinh tế.
Và trên lộ trình tăng trưởng bền vững, Ts. Velasquez chỉ rõ cả DN và Chính phủ đều đóng vai trò then chốt. Các DN Việt cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện chuỗi cung ứng và triển khai các chương trình giảm giá có mục tiêu để kích thích nhu cầu và mở rộng thị trường mới.
Theo Ts. Velasquez, Chính phủ nên ưu tiên giảm thuế, như cắt giảm thuế tiêu dùng và thuế thu nhập, nhằm tăng cường sức mua của người dân. Việc đơn giản hóa các quy định và giảm bớt thủ tục hành chính cho các dự án lớn sẽ góp phần củng cố niềm tin của DN. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng tái tạo, là yếu tố thiết yếu cho phục hồi ngắn hạn và ổn định lâu dài.
“Mặc dù GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng, nhưng quỹ đạo cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc ứng phó với rủi ro thương mại toàn cầu và điều chỉnh các chính sách trong nước”, Ts. Velasquez nhấn mạnh.
Thế Vinh-Link gốc