• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.317,46 0,00/0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 8:54:59 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.317,46   0,00/0,00%  |   HNX-INDEX   238,20   0,00/0,00%  |   UPCOM-INDEX   98,62   0,00/0,00%  |   VN30   1.373,93   0,00/0,00%  |   HNX30   488,52   0,00/0,00%
31 Tháng Ba 2025 8:57:05 SA - Mở cửa
Vẫn lo ngành hàng nông sản thực phẩm chật vật ‘vượt rào’
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 28/03/2025 9:27:05 SA

Ngành hàng nông sản thực phẩm Việt đối mặt nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, mất thị trường khi các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt quy định về an toàn thực phẩm. Để hướng đến xuất khẩu, một dấu hỏi lớn được đặt ra là liệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ngành hàng này có thể tự nâng cấp để vượt qua các rào cản tiêu chuẩn khắt khe hay không?

Nói về một trong những thách thức trong hoạt động xuất khẩu (XK) nông sản hiện nay, đơn cử như với rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, chỉ rõ đó là vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm mà chúng ta thường hay vướng phải.

Nguy cơ bị từ chối nhập khẩu

Ông Tùng dẫn chứng như với chất kim loại nặng đã từng được phía Trung Quốc cảnh báo rất nhiều. Vừa qua cũng đã chứng kiến khá nhiều mã số và vùng trồng đã bị Trung Quốc cấm XK. Điều này không chỉ xảy ra trên trái sầu riêng “tỷ đô” mà còn hiện diện trên trái mít và những loại quả khác khi xuất vào Trung Quốc.

Các DN nhỏ và vừa trong ngành nông sản thực phẩm cần tự nâng cấp để vượt qua các rào cản khắt khe từ thị trường nhập khẩu.

“Khi Trung Quốc đã cảnh báo như vậy, trong thế giới phẳng hiện nay khả năng thị trường các nước khác cũng sẽ lưu ý những việc đó và dựng lên các hàng rào kỹ thuật, như thế sẽ gây khó khăn cho ngành rau quả”, ông Tùng chia sẻ.

Những băn khoăn như vậy từ một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong XK rau quả là điều đáng để suy ngẫm. Bởi lẽ, không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường lớn đang siết chặt các tiêu chuẩn, gia tăng kiểm dịch thực vật và giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho XK rau quả trong quý 1/2025 được dự báo có thể sẽ giảm 13% so với cùng kỳ năm 2024.

Điều đáng nói, để vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe khi XK rau quả đang đòi hỏi các DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản sau thu hoạch, thế nhưng việc này cũng không hề đơn giản. 

Theo Ts. Lê Minh Hùng thuộc Phân viện cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong bối cảnh phải hạn chế sử dụng các hóa chất, thuốc diệt côn trùng và thuốc diệt nấm sau thu hoạch rau quả thì việc áp dụng công nghệ nano là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này mới ở mức thử nghiệm và nghiên cứu.

Trên thực tế, như than phiền của Ts. Hùng, túi đóng gói vật liệu nano và màng tổng hợp nano vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo quản và vận chuyển sau thu hoạch các loại rau quả khác nhau trên thị trường.

Không chỉ với rau quả, việc siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm ở thị trường nhập khẩu cũng là một thách thức với ngành hàng thủy sản. Mới nhất là việc Cơ quan An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EU) dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định (EU) số 2023/915 thiết lập mức dư lượng tối đa (MRLs) asen vô cơ trong cá và các loại thủy sản khác. 

Việc dự thảo sửa đổi bổ sung quy định EU thiết lập MRLs của asen vô cơ liên quan đến nhiều sản phẩm cá và các loại thủy sản khác của Việt Nam đã và đang XK sang thị trường EU. Quy định mới dự kiến sẽ áp dụng trong tháng 7/2025. Điều này đòi hỏi các DN thủy sản của Việt Nam phải theo dõi sát quy định mới và chủ động kiểm soát tốt sản phẩm khi XK vào thị trường.

Ngoài quy định mới dự kiến như trên, đứng ở góc độ một DN xuất khẩu thủy sản, ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường, cho rằng ngành thủy sản đang đối mặt với áp lực lớn từ thị trường quốc tế khi các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. 

Ông Phương cũng đề cập đến việc các DN thủy sản cần ứng phó với Đạo luật bảo vệ động vật biển có vú (MMPA). Bởi lẽ, phía Mỹ vừa qua có thông báo không công nhận Việt Nam tương đương, và nguy cơ cấm nhập khẩu nhiều loài hải sản Việt Nam từ 1/1/2026.

Ngoài ra, tại một hội thảo được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 27/3 để bàn về vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến của DN vừa và nhỏ, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), có nêu rõ các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt quy định về an toàn thực phẩm. Do đó, nếu như DN nào không đáp ứng tiêu chuẩn, nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, mất thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh là rất cao.

Muốn “vượt rào” phải tự nâng cấp

Theo bà Quyên, hiện nay nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, EU và Nhật Bản, đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng hóa chất. Điển hình là EU áp dụng Quy định (EC) số 396/2005 về mức dư lượng tối đa (MRL) đối với thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời yêu cầu truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Hay như ở thị trường Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thực hiện kiểm soát chặt chẽ thông qua Đạo luật hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA), yêu cầu kiểm tra và chứng nhận an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu. Còn Nhật Bản đang áp dụng hệ thống “Positive List”, nghiêm cấm sử dụng các hóa chất chưa được kiểm chứng an toàn trong thực phẩm.

Để đáp ứng những tiêu chuẩn này, vị phó giám đốc ITPC cho rằng các DN nhỏ và vừa cần chủ động ứng dụng công nghệ kiểm soát chất lượng nhằm phát hiện và loại bỏ nguy cơ từ sớm. Xây dựng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Hợp tác với các tổ chức kiểm định độc lập để tăng tính minh bạch và đảm bảo tuân thủ quy định.

“Việc thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ giúp DN nâng cao uy tín, mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế có tiêu chuẩn khắt khe. Nếu DN nào đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn, gia tăng cơ hội XK, xây dựng thương hiệu uy tín và phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu”, bà Quyên nói.

Mặc dù vậy, cần nhìn nhận một thực tế là các DN vừa và nhỏ trong ngành nông sản thực phẩm thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đặc thù, chẳng hạn như những hạn chế về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa và nguy cơ ô nhiễm chéo cao.

Từ nguyên nhân này, như khuyến nghị của bà Quyên, các DN nhỏ và vừa cần nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh. Đồng thời, cần tuân thủ tiêu chuẩn HACCP để quản lý và kiểm soát nguy cơ an toàn thực phẩm. Các công ty cũng nên đào tạo nhân lực về quy trình an toàn thực phẩm nhằm giảm thiểu sai sót trong sản xuất. Hơn nữa, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

Còn theo ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Giải pháp an toàn thực phẩm Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, các DN vừa và nhỏ cần được khuyến khích tập trung vào việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến và bảo quản, đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên, cũng như thiết lập hệ thống giám sát và lưu trữ hồ sơ đầy đủ.

Thế Vinh-Link gốc