Gỗ, đùi gà đông lạnh, táo, cherry, một số loại hạt,... từ 31/3 khi nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi mới, trong đó với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ giảm thuế nhập khẩu từ các mức 20 - 25% xuống cùng một mức thuế suất là 0%.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng. Theo đó, thuế nhập khẩu đồng loạt giảm với một số mặt hàng như ô tô, gỗ, ethanol, đùi gà đông lạnh, hạt dẻ cười, hạnh nhân, quả táo tươi, cherry, nho khô... Nghị định có hiệu lực ngay trong ngày 31/3.

Từ 31/3, gỗ và nhiều mặt hàng khác khi nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi mới.
Trong đó, với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, cụ thể: Nhóm 44.21 gồm các sản phẩm bằng gỗ (bao gồm các sản phẩm như mắc treo quần áo, lõi cuộn chỉ, ống sợi và suốt sợi, guồng cuốn chỉ may và các sản phẩm tương tự, thanh gỗ để làm diêm…); Nhóm 94.01 và 94.03 gồm ghế ngồi và các bộ phận của ghế ngồi, đồ nội thất bằng gỗ... giảm thuế nhập khẩu từ các mức 20 - 25% xuống cùng một mức thuế suất là 0%.
Trước đó, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng có kiến nghị nên xem xét sửa đổi mức thuế nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Mỹ để giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trả đũa từ phía Mỹ.
Được biết, Việt Nam là nhà cung ứng gỗ và sản phẩm lớn nhất cho Mỹ. Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này là 9,1 tỷ USD.
Phần lớn sản phẩm gỗ Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ đều thuộc nhóm tinh chế, như đồ mộc nội thất. Các mặt hàng này hiện đang được hưởng mức thuế suất 0%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam lại đang áp mức thuế từ 15 - 25% với các mặt hàng này. Trong suốt thời gian qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng, có đi có lại với tất cả hàng hoá của các quốc gia, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt cũng lo ngại khi mức thuế nhập khẩu của Việt Nam cao hơn.
Tuy nhiên, theo Nghị định mới, mức thuế nhập khẩu với các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ sẽ đồng loạt giảm xuống còn 0%, ngang bằng với thuế từ phía Mỹ.
Các doanh nghiệp đánh giá rất cao và hưởng ứng chính sách giảm thuế nhập khẩu vừa được Chính phủ ban hành.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Viforest cho biết: "Quyết định của Chính phủ là sự động viên rất lớn và chúng tôi rất kỳ vọng phía Mỹ sẽ xem xét một cách công bằng, minh bạch, thoả đáng để không áp thuế đối ứng với các sản phẩm gỗ mà chúng ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nó có thể tạo ra sự cạnh tranh của sản phẩm gỗ sản xuất ở Việt Nam với sản phẩm gỗ nhập khẩu. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp chế biến phục vụ thị trường nội địa cũng phải chia sẻ và cần nâng cao năng lực cạnh tranh".
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đánh giá chiến lược thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ áp cho mọi quốc gia có thể là trong ngắn hạn. Ông đánh giá cao quyết định nhanh gọn từ các cơ quan tư vấn và Chính phủ. Hiện, Việt Nam đã giảm thuế về mức 0% với mặt hàng gỗ, yếu tố thuế đối ứng có thể được loại trừ. Tuy nhiên, TS Lạng đồng thời lưu ý, một số ngành công nghiệp khác cũng có thể bị tổn thương nếu bị đánh thuế đối ứng. Đó là nhóm hàng đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép. Ngoài gỗ thì đây là các ngành hàng chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phụ thuộc cao vào thị trường này.
Tương tự, theo TS Phạm Tất Đông- Viện giá và chiến lược giá (NHC), đối với người tiêu dùng, quy định này mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với đa dạng các mặt hàng tiêu dùng sẽ giúp giảm giá thành các sản phẩm nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn cao. Điều này sẽ làm tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng và có thể giúp họ tiếp cận được các sản phẩm chất lượng quốc tế với giá thấp hơn, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt. Đồng thời, các mặt hàng được giảm thuế sẽ bình ổn giá cả trên thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Việc giảm thuế nhập khẩu còn tạo cơ hội cho các sản phẩm quốc tế gia nhập thị trường nội địa với mức giá cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự đa dạng hóa sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về chủng loại, thương hiệu và chất lượng. Sự cạnh tranh tăng lên trên thị trường không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm tốt hơn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để giữ vững vị thế trên thị trường, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mà cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa đều phải cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngoài ra, khi thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu sản xuất giảm sẽ kéo chi phí đầu vào của các ngành sản xuất trong nước cũng giảm theo. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, từ đó tăng cường khả năng cung ứng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp. Hạ thấp rào cản thuế quan cũng thúc đẩy quá trình dịch chuyển thương mại, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguyên liệu chất lượng cao với chi phí hợp lý hơn, qua đó nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cũng đồng thời đưa ra gợi ý: sau động thái giảm thuế nhanh loạt hàng nhập khẩu, Việt Nam nên vận dụng một số giải pháp tiếp theo, đó là đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; tăng hợp tác với doanh nghiệp Mỹ để sản xuất xuất khẩu sang Mỹ; tăng nhập khẩu các thiết bị y tế cao cấp, khí hóa lỏng, hàng tiêu dùng, nông sản phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Hồng Hương-Link gốc