Phóng viên TTXVN tại Praha dẫn thông tin từ truyền thông Czech (Séc) ngày 27/4 đưa tin tiền lương danh nghĩa tại quốc gia Trung Âu này đã tăng 27% kể từ cuối năm 2019.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ô tô ở châu Âu. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao đã khiến mức lương thực tế tại CH Czech vẫn thấp hơn tới 10% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
CH Czech nằm trong số 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có tiền lương thực tế chưa trở lại mức trước đại dịch COVID-19, đồng thời là nước có mức suy giảm tích luỹ lớn nhất. Nguyên nhân chính là do CH Czech đã trải qua thời kỳ lạm phát kéo dài với mức tích luỹ nằm trong số ít các quốc gia cao nhất trong EU. Kể từ cuối năm 2019, giá tiêu dùng tại CH Czech đã tăng 41%, chỉ sau Ba Lan (42%) và Hungary (Hung-ga-ri, 52%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa tại 2 nước này đều nhanh hơn ở CH Czech.
Theo giới phân tích, rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng tiền lương ở CH Czech là năng suất lao động thấp, trong đó có ngành xây dựng và nông nghiệp. Thị trường lao động Czech cũng đang phải vật lộn với tình trạng người lao động ít muốn di chuyển nơi làm việc hoặc thay đổi công việc.
Yếu tố này được cho là cản trở việc tăng lương nhờ các công việc mới và đàm phán với người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng giảm cũng kìm hãm mức tăng trưởng tiền lương do các công ty thận trọng hơn khi tuyển dụng. Tình hình được cho là sẽ thay đổi khi nền kinh tế phục hồi.
Các chuyên gia Czech dự báo, trong năm 2025, tiền lương danh nghĩa tại nước này sẽ tăng từ 6-7%, trong khi mức lương thực tế sẽ tăng 3,5-4,5%. Mức tăng cao nhất thuộc về các ngành sản xuất, chăm sóc sức khoẻ và những lĩnh vực có trình độ chuyên môn cao. Tiền lương thực tế tại Czech dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2026, song sẽ phải đối mặt với những tác động do tình trạng kinh tế khó khăn.
Ngọc Biên-Link gốc