Chính phủ Trung Quốc mới đây tuyên bố có đủ công cụ để bảo vệ việc làm và duy trì tăng trưởng kinh tế, bất chấp các mức thuế cao mà Mỹ áp đặt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Tại cuộc họp báo ngày 28/4, nhiều quan chức cấp cao của các bộ, ngành Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, nới lỏng điều kiện vay vốn, đồng thời triển khai thêm các biện pháp nhằm đối phó với mức thuế kết hợp lên tới 145% mà Mỹ đang áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sự kiện này diễn ra ngay sau cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc tuần trước, trong bối cảnh xuất khẩu nước này sụt giảm đáng kể. Theo bà Louise Loo, kinh tế trưởng tại Oxford Economics, các chính sách Bắc Kinh công bố cho thấy Trung Quốc đang ở trạng thái "cảnh giác cao độ", dù nội dung cơ bản không mới so với những tuyên bố trước.
Hiện vẫn chưa rõ tiến độ đàm phán giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Donald Trump cho biết đang tích cực trao đổi với Bắc Kinh, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent lại xác nhận các cuộc đàm phán vẫn chưa khởi động.
.png)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (bên trái) phát biểu tại Nhà Trắng (Ảnh: Getty Images)
Về phía mình, Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ cuộc đàm phán nào đang diễn ra và đã phản ứng bằng việc áp thuế nhập khẩu 125% đối với hàng hóa Mỹ cùng các biện pháp trả đũa khác.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Triệu Trần Tân chỉ trích các động thái của Mỹ là hành động "bắt nạt" và "bẻ kèo". Ông cho rằng chính sách thuế quan của Washington "đi ngược xu thế lịch sử, vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác".
Cuộc chiến thương mại đang đặt ra nguy cơ suy thoái cho kinh tế Mỹ và tạo ra những hệ lụy toàn cầu. Trung Quốc cũng gặp thách thức trong phục hồi sau đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số tổ chức khác đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm nay xuống còn khoảng 4%, làm gia tăng rủi ro đối với hàng triệu việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu.
.png)
Bên trong nhà máy sản xuất linh kiện tại Trung Quốc (Ảnh: AP)
Tuy vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng nền kinh tế nước này có thể đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, tương đương mức năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Vu Gia Đông nhấn mạnh Trung Quốc sở hữu "hộp công cụ chính sách việc làm" đủ mạnh, đồng thời cho biết chính phủ sẽ tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trong nhóm lao động thất nghiệp.
Trung Quốc cũng khẳng định việc giảm hoặc dừng nhập khẩu năng lượng và nông sản Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, nhờ khả năng thay thế từ các nguồn quốc tế khác.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi cần thiết để hỗ trợ tín dụng. Bắc Kinh cũng thúc đẩy các chương trình đổi mới phương tiện, thiết bị cũ nhằm kích cầu nội địa, với giá trị ước tính hơn 5.000 tỷ nhân dân tệ (34,8 tỷ USD) mỗi năm.
Trong dài hạn, Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, dự kiến mỗi 1% gia tăng tỷ lệ đô thị hóa sẽ kích thích hàng nghìn tỷ nhân dân tệ đầu tư mới, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Theo AP
Thanh Thanh-Link gốc