• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.226,80 -2,43/-0,20%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.226,80   -2,43/-0,20%  |   HNX-INDEX   211,45   -0,27/-0,13%  |   UPCOM-INDEX   92,25   -0,02/-0,02%  |   VN30   1.312,32   -4,86/-0,37%  |   HNX30   413,27   -0,13/-0,03%
28 Tháng Tư 2025 5:13:10 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp Pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại – Bài cuối: Thích nghi với trạng thái “bình thường mới”
Nguồn tin: Vietnam+ | 28/04/2025 11:10:58 SA

Theo nhật báo Le Figaro, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ẩn chứa nhiều rủi ro như hiện nay, gần như tất cả các khoản đầu tư đều có khả năng bị xem xét giảm xuống.

Các doanh nghiệp Pháp khẩn trương lên kế hoạch ứng phó với khả năng bị Mỹ áp thuế đối ứng. Ảnh: THX/TTXVN

Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhóm chỉ số CAC40 của Pháp nhận định: “Môi trường hiện nay quá bất ổn, quá khó đoán,... Bất cứ điều gì có thể trì hoãn, thì phải trì hoãn. Nạn nhân đầu tiên là tuyển dụng, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp. Trong các trường đại học hàng đầu, cuộc chiến thương mại đang diễn ra thật tàn nhẫn”.

Các khoản đầu tư vào nghiên cứu & phát triển (R&D) và trang thiết bị công nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng. Hãng sản xuất linh kiện ô tô Forvia dự kiến sẽ giảm đầu tư và chi phí phát triển “hơn 100 triệu euro (113,95 triệu USD) vào năm 2025 so với năm 2024”. Thương hiệu rượu cognac Rémy Martin đã cho hàng trăm nhân viên nghỉ luân phiên một tuần mỗi tháng cho đến tháng Sáu, do các biện pháp tạm thời của Trung Quốc áp lên rượu cognac xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Đây là lần đầu tiên xảy ra tình huống này và nó khiến nhiều người lo ngại rằng các biện pháp đau đớn như vậy sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa trong những tháng tới.

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) cũng đang rơi vào trạng thái trì trệ. Kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều người đã kỳ vọng rằng thị trường M&A sẽ bùng nổ, bởi ông Trump luôn được xem là vị Tổng thống thân thiện với doanh nghiệp và ủng hộ xu hướng gỡ bỏ quy định. Nhưng vào ngày 2/4, ngày Mỹ công bố các mức thuế đối ứng mới, nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình lên kế hoạch mua lại đã “dừng bút”.

Ít nhất ba thương vụ mua lại doanh nghiệp Mỹ bởi các tập đoàn Mỹ khác - mỗi thương vụ trị giá từ 5 đến 10 tỷ euro - đã bị hủy bỏ chỉ trong vòng hai tuần. “Có quá nhiều bất định khiến các doanh nghiệp không thể đưa ra quyết định một cách hợp lý và sáng suốt”, luật sư điều hành tại hãng luật Weil Gotshal & Manges, Yannick Piette, nhận định, “họ cần hiểu rõ môi trường mới mà họ sắp bước vào”.

Ngay cả khoảng dừng áp thuế 90 ngày cũng không mang lại chút nhẹ nhõm nào. Các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng mù mờ và không thể hình dung được tương lai, theo lời của ông Pierre Drevillon, phụ trách mảng M&A tại Citigroup Pháp. Ông Yannick Piette bổ sung: “Sự biến động hiện tại của thị trường khiến gần như không thể thực hiện các giao dịch quy mô lớn bằng cổ phiếu”.

Ông Stéphane Courbon, Chủ tịch ngân hàng đầu tư tại Bank of America (BoA), đồng tình: “Rất khó để các bên thống nhất về giá giao dịch, nhất là khi không ai có thể dự đoán được tác động của các mức thuế quan đối với hoạt động của họ”.

“Bình thường mới” là sống với sự bất định mỗi ngày

Tình trạng đóng băng này có vẻ sẽ kéo dài. Theo mô tả của Chủ tịch tổ chức France Industrie, Alexandre Saubot, thì “sự chờ đợi bao trùm ở mọi tầng nấc”. Ông nói: “Trong ba đến sáu tháng tới, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không đưa ra quyết định nào có tác động trung hạn. Phải đợi đến khi kết thúc đàm phán, chúng ta mới có thể hình dung được trật tự thế giới mới sẽ ra sao”.

Một số người chọn cách kiên nhẫn chờ đợi. “Từ nay đến khi kết thúc 90 ngày, chắc chắn sẽ có vài cú sốc”, một lãnh đạo lớn trong CAC 40 nhận định,“‘Bình thường mới' là phải thích nghi từng ngày với những tuyên bố và thay đổi bất ngờ của Tổng thống Trump. Phải học cách bị cuốn theo và giữ được sự bình tĩnh giữa cơn sóng gió”.

Dù vậy, vẫn có một ánh sáng lạc quan le lói, báo hiệu sự dịu lại trong vấn đề thuế quan. Tổng Giám đốc của một tập đoàn công nghiệp hàng đầu Pháp nhận định, “tôi cho rằng chúng ta sẽ kết thúc với các rào cản thuế quan toàn cầu ở mức 10%, còn thuế đối với hàng Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 30% hoặc 40%”.

Nhưng mức thuế quan sẽ không quay về như trước. “Mức 10% là không thể thương lượng, vì Tổng thống Trump cần số đó để tài trợ cho chính phủ liên bang và các đợt giảm thuế”, một lãnh đạo trong ngành rượu mạnh khẳng định.,“tôi sợ rằng, khi sương mù tan đi, chúng ta sẽ thấy ngay một bức tường chắn trước mặt”.

Thị trường Mỹ kém hấp dẫn hơn nhưng vẫn có sức sống nội tại

Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp không sẵn sàng nhượng bộ Nhà Trắng. “Điều chắc chắn là chúng tôi sẽ không đưa sản xuất về Mỹ”,  CEO của một tập đoàn công nghiệp lớn tại Pháp khẳng định. Công ty ông tạo ra 1/3 doanh thu tại Mỹ, trong đó một nửa đến từ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico. Ông giải thích chiến lược giữ nguyên hiện trạng như sau: “Trước tiên, một sự chuyển dịch như vậy không thể hoàn tất trong vài tháng. Thứ hai, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4%, rất khó để tìm được lao động ở Mỹ. Và cuối cùng, chi phí lao động ở đó rất đắt - gấp năm lần so với ở Mexico”.

Trong ngắn hạn, thị trường Mỹ đang trở nên kém hấp dẫn hơn: tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ chậm lại và lạm phát có xu hướng tăng. “Một số công ty có dự án phát triển tại Mỹ bắt đầu xem xét lại kế hoạch tái triển khai”, ông Jérôme Morisseau, đồng phụ trách ngân hàng đầu tư tại BoA, xác nhận, “các doanh nghiệp cũng cần sự rõ ràng về cách các hồ sơ sẽ được chính quyền Mỹ xử lý”.

Tuy nhiên, về lâu dài, Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn. Ông Anton Molina, đồng sáng lập công ty tư vấn Plead, nhận định:“Đầu tư vào Mỹ vẫn sẽ hấp dẫn. Sự hào hứng của các lãnh đạo doanh nghiệp với Tổng thống Trump trước đây được thúc đẩy bởi hứa hẹn giảm thuế và cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước. Họ sẽ chờ hết 90 ngày và khi ổn định trở lại, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Mỹ”. Lãnh đạo một tập đoàn công nghiệp Pháp cũng đồng tình về quan điểm này, ông nhấn mạnh:

“Điều đó đúng hôm nay và sẽ đúng cả ngày mai. Thị trường Mỹ có động lực nội tại mạnh mẽ, và các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn vững vàng. Với chúng tôi, chẳng có lý do gì để đình chỉ đầu tư tại đó. Chúng tôi đã lên kế hoạch mở thêm các dây chuyền sản xuất trong vài tháng tới - và không có chuyện dừng lại. Chúng tôi có trách nhiệm với nhân viên của mình tại Mỹ”.

Trong khi chiến tranh thương mại đang tàn phá và làm lung lay mối quan hệ giữa các quốc gia từng là đồng minh, các lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia đang ưu tiên hàng đầu việc trấn an người lao động trên toàn thế giới. “Thời điểm này gây nhiều lo lắng”, ban lãnh đạo của một tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp chia sẻ, “Tổng Giám đốc của chúng tôi đã gửi thông điệp đến 150 lãnh đạo cấp cao của tập đoàn để khuyến khích họ gần gũi và lắng nghe các đội nhóm, đồng thời chú trọng các điểm mạnh trong mô hình kinh tế và tổ chức của chúng tôi”. Một lãnh đạo khác cũng khẳng định: “Chúng ta phải giữ vững sự đoàn kết trong nội bộ công ty giữa cơn hỗn loạn toàn cầu, và không để chính trị can thiệp vào doanh nghiệp. Phải giữ bình tĩnh và trung lập. Điều này là cần thiết”.

Thu Hà-Link gốc