Việc chậm áp dụng biện pháp kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, cùng với đó là những quy định mới chưa thật sự phù hợp trong một số dự thảo nghị định (liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại điện tử) có thể tạo “lỗ hổng” thiết kế chính sách và gây bất lợi cho hàng hóa nội địa trước hàng hóa nhập khẩu.
Như mới đây, khi nói về việc phát triển ngành gia cầm Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, đã bày tỏ mối băn khoăn về việc cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm gia cầm nhập khẩu và tình trạng buôn lậu. Đó là chưa kể một thách thức lớn của ngành là phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Tình thế cạnh tranh không công bằng
Ngoài ra, theo ông Sơn, ngành gia cầm Việt Nam vẫn còn thiếu tính liên kết và phát triển không đồng đều khi mà có sự chênh lệch năng lực giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN nội địa và hộ chăn nuôi.

Hàng hóa sản xuất trong nước sẽ tiếp tục gặp bất lợi nếu còn tồn tại “lỗ hổng” thiết kế chính sách.
Vị chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam đã đề xuất là cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kiểm soát chặt nhập khẩu. Nhất là khi từ năm 2022 đến nay, ngành đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về giá, thị trường và niềm tin, khiến tăng trưởng chậm lại, sản xuất kém hiệu quả và nhiều DN thua lỗ kéo dài.
Nếu xét về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, riêng trong 4 tháng đầu của năm 2025 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 581,9 triệu USD, tăng 18,8%.
Cũng nên nhắc lại, hồi năm rồi, trước sức ép từ sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu dẫn tới đe dọa sự tồn vong của ngành chăn nuôi trong nước, các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi đã cho rằng nếu so với các nước có nền chăn nuôi phát triển thì các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ và còn nhiều lỗ hổng. Nhất là đối với nhập khẩu chính ngạch, cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế phần nào việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.
Hoặc như ở ngành điều, theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Chính sách của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), các DN chế biến trong nước đang phải cạnh tranh không công bằng với nhân điều nhập khẩu giá rẻ, chất lượng thấp, dẫn đến nguy cơ thu hẹp sản xuất, mất thị phần.
Điều đáng nói, như lưu ý của ông Họa, trong khi một số nước châu Phi có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho DN xuất khẩu nhân điều thì Việt Nam miễn thuế cho tất cả vì là nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu. Điều này gây ra sự cạnh tranh không công bằng giữa ngành chế biến Điều Việt Nam và các nước châu Phi, khiến lượng nhân điều nhập khẩu từ châu Phi vào Việt Nam tăng nhanh chóng, nguy cơ gây nhiều hệ lụy đối với ngành Điều Việt Nam.
Trên thực tế, không riêng ngành gia cầm hay ngành điều, các DN nội địa ở các ngành khác cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ mối đe dọa của hàng hóa nhập khẩu.
Đặc biệt khi vấn đề miễn thuế nhập khẩu cho các loại hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu lại là chính sách khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu chung của nhà nước. Những mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc thiếu hụt thì có sự ưu tiên về chính sách nhập khẩu.
Chính vì thế, để tìm một biện pháp nào đó bảo vệ sản xuất trong nước còn phải xem xét để không vi phạm các thỏa thuận song phương (như các hiệp định thương mại ký kết riêng với từng nước) và đa phương (như cam kết trong WTO), cũng như quan hệ thương mại thực tế với mỗi nước.
Ngoài ra, điều mà các DN nội địa vẫn đang lo lắng là có những quy định mới chưa thật sự hợp lý trong một số dự thảo nghị định (liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại điện tử) sẽ gây bất lợi cho họ so với hàng hóa nhập khẩu hay sản phẩm của các DN FDI.
Xin đừng tạo ra sự bất bình đẳng
Điển hình mới nhất là trong Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, có quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống).
Góp ý về quy định nêu trên trong hạ tuần tháng 5/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cơ chế này chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự không bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước.
Bởi lẽ phần lớn hàng hoá nhập khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu: giá trị mỗi đơn hàng thương mại điện tử (TMĐT) thường có giá trị thấp, thường không quá 1 triệu đồng. Chẳng hạn, năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỷ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm. Như vậy, quy định ngưỡng 1 triệu đồng đồng nghĩa với phần lớn hàng hoá TMĐT nhập khẩu sẽ không chịu thuế nhập khẩu.
“Điều này tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp (DN) trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng hóa, trong khi hàng hóa TMĐT được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Điều này vô hình trung vẫn tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách thuế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá nước ngoài”, phía VCCI lưu ý.
Do vậy, VCCI cho rằng cần thiết cân nhắc áp dụng một chính sách thuế nhập khẩu toàn diện, không miễn giảm với hàng hóa TMĐT nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của VCCI nhằm giúp các DN nội địa cạnh tranh hơn. Thực tế cho thấy hàng hóa trên các sàn TMĐT đa phần là từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn hàng Việt rất nhiều, thời gian vận chuyển nhanh, nếu thêm miễn thuế nữa thì DN nội địa ở cùng một phân khúc đó sẽ rất khó cạnh tranh.
Không những vậy, đáng chú ý khi ở Điều 11.1 của Dự thảo nêu trên đang dự kiến cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhưng mỗi năm tổng giá trị không quá 48 triệu đồng với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định đang thiết kế theo hướng quản lý theo người mua (người nhập khẩu).
Như lưu ý của VCCI, quy định này có thể chưa thực sự phù hợp với đặc điểm TMĐT và có thể tạo ra lỗ hổng trong thiết kế chính sách. Việc áp dụng ngưỡng 1 triệu đồng gần như không có tác dụng đáng kể nào khi phần lớn hàng nhập khẩu hiện nay có giá trị thấp. Điều này dẫn đến hệ quả là phần lớn hàng hóa TMĐT sẽ không phải chịu giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, dù tổng giá trị hàng bán vào Việt Nam có thể rất lớn, gây bất bình đẳng với hàng hóa trong nước.
Từ đó có thể thấy mối đe dọa sức cạnh tranh của DN khối nội không chỉ đến từ hàng nhập khẩu giá rẻ mà còn ở vấn đề “lỗ hổng” thiết kế chính sách. Đây là bài học mà các nhà hoạch định chính sách nên khắc phục, sửa sai, điều chỉnh hợp lý hơn nếu không muốn hàng hóa nội địa rơi vào ngõ cụt.
Thế Vinh-Link gốc