Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước ngã rẽ quan trọng sau những biến động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Quang cảnh cảng Los Angeles ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Báo Les Échos dẫn nhận định của ông Dubravko Lakos-Bujas, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại ngân hàng J.P. Morgan cho rằng nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng nhờ các tiến triển thương mại gần đây, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Mặc dù J.P. Morgan đã loại bỏ dự báo suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2025, nhưng cũng cần thận trọng trong bối cảnh chính sách thay đổi nhanh và rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Tuy nhiên, xét theo các diễn biến gần đây, triển vọng của kinh tế Mỹ không hẳn u ám như thị trường đã từng lo ngại. Những tiến triển trong lĩnh vực thương mại là rất đáng ghi nhận. Một thỏa thuận giữa Mỹ với Trung Quốc đã đạt được sớm hơn dự kiến, và thỏa thuận đó tốt hơn mong đợi. Vì thế, Mỹ có cơ hội lớn để tránh suy thoái.
Lịch sử cũng mang lại cơ sở cho sự lạc quan. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump (2017–2021), Mỹ từng tuyên bố áp thuế 20% lên hàng hoá của Trung Quốc, nhưng sau khi mọi việc lắng xuống, những tính toán cho thấy mức thuế thực tế chỉ bằng một nửa, dưới 10%. Hơn nữa, tác động của thuế quan lên doanh nghiệp cần được nhìn nhận một cách thận trọng, vì các doanh nghiệp có thể tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, nhưng tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục yếu. Sau quý III/2025, mà GDP của Mỹ có thể vẫn sụt giảm, các chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có sự phục hồi vào cuối năm 2025. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hỗ trợ bằng việc hạ lãi suất vào tháng 12 tới, sau đó là 3 lần cắt giảm nữa trong nửa đầu năm 2026.
Hiện nay, chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đang chuyển hướng sang cắt giảm thuế và giảm điều tiết. Đây là điều cần chú ý, vì thị trường rất nhạy cảm với diễn biến của thâm hụt ngân sách Mỹ. Không thể loại trừ nguy cơ xảy ra thêm các cú sốc thị trường nếu thâm hụt ngân sách gia tăng, đặc biệt nếu chính quyền thực hiện các biện pháp cắt giảm thuế quá quyết liệt. Điều này sẽ thể hiện rõ trước tiên trên thị trường trái phiếu. Cổ phiếu và trái phiếu rủi ro cao có lẽ sẽ khó chống đỡ nổi trong môi trường tài khóa bất ổn và lãi suất chịu áp lực.
Nhà đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục rút khỏi tài sản Mỹ?
Trong vòng 20-30 năm qua, tài sản Mỹ đã thu hút vốn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng hiện nay, rõ ràng có một rủi ro gia tăng là khả năng nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi tài sản Mỹ. Trong 20–30 năm qua, Mỹ là điểm đến hàng đầu của dòng vốn toàn cầu, với trái phiếu kho bạc Mỹ là tài sản "trú ẩn an toàn". Tuy nhiên, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm từ 60% sau khủng hoảng tài chính 2008 xuống còn khoảng 30% hiện nay.
Rất ít quốc gia sẽ chọn bán tháo nợ Mỹ, vì điều này sẽ gây hại cho chính các nước này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent đã đề cập đến khả năng khuyến khích nước ngoài, như Nhật Bản – nhà đầu tư lớn truyền thống vào trái phiếu Mỹ – tiếp tục mua tài sản Mỹ, nhưng kết quả vẫn phụ thuộc vào đàm phán thương mại.
Đồng USD cũng là mối quan tâm lớn. Sau đợt sụt giá đầu tháng 4/2025, hiện đồng bạc xanh vẫn chưa phục hồi và mất vai trò đồng tiền trú ẩn khi tài sản rủi ro gặp khó. Vốn đã bị rút ra – điều này thường xảy ra với các nền kinh tế mới nổi, nhưng là điều chưa từng thấy với Mỹ và khiến nhà đầu tư rất hoang mang. Các chuyên gia giữ quan điểm “giảm giá” với USD, cho rằng một đồng USD yếu hơn sẽ có lợi cho doanh nghiệp Mỹ.
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, ước tính, mỗi 1% giảm giá của USD có thể tăng lợi nhuận S&P 500 khoảng 0,5%.
Nhìn chung, kinh tế Mỹ đang cho thấy dấu hiệu phục hồi, nhờ tiến triển thương mại và triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, rủi ro từ thâm hụt ngân sách, biến động thị trường trái phiếu, và sự rút vốn quốc tế vẫn hiện hữu.
Đào Dũng-Link gốc