Theo các chuyên gia, cần một lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành, trong khi vẫn đảm bảo không tạo ra "cú sốc" về giá cho người dân và nền kinh tế. Việc cân bằng giữa thị trường hóa giá điện và ổn định xã hội là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải
Trong năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2031 đã được Chính phủ đề xuất và Trung ương thống nhất. Để đạt mục tiêu trên, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù, "đầu vào của mọi đầu vào" của nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Bối cảnh mới, tình hình mới đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với ngành điện. Tại tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 6/5, các chuyên gia đã bàn về các yêu cầu và giải pháp bảo đảm điện cho tăng trưởng. Trong đó, vấn đề giá điện được nhấn mạnh như một yếu tố then chốt – vừa phải đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư, vừa phải đảm bảo hài hòa với mục tiêu giữ vững an sinh xã hội.
Giá điện đang gánh quá nhiều mục tiêu

Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong cơ chế giá điện. Bên cạnh đó, còn cần đảm bảo tính hợp lý của chi phí.
Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, chúng ta vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng trên 8% GDP trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ dự kiến bổ sung một số giải pháp nhưng vẫn bám sát mục tiêu điều hành kinh tế xã hội. Để đạt mục tiêu tăng trưởng như trên, không có cách nào khác là phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Điều này khiến cho nhu cầu về năng lượng và điện tất yếu sẽ tăng lên.
“2 thách thức đặt ra của ngành năng lượng hiện nay gồm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn điện thì trong thời gian tới, giá điện phải khác đi”, ông Hiếu nhận định.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa phân tích, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn. Thứ nhất, mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn, là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu như phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm. Những mục tiêu này hội tụ trong giá điện không đồng thuận 100% với nhau mà có những xung đột, giằng co.
Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau đã kéo dài quá lâu khiến không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.
Những bất cập trên kéo theo nhiều hệ quả. Điển hình là điện không được tính đúng tính đủ, giá điện không phản ánh đúng giá trị của 1 kWh điện đã sản xuất ra.
“Như vậy, giá điện sẽ trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ", ông Thoả nêu rõ.
So sánh giá điện trung bình tại Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn lưu ý: Mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Mức giá này cao hơn một số quốc gia như Bangladesh hay Malaysia - những nước có lợi thế riêng như tài nguyên thủy điện hoặc dầu khí nội địa, từ đó có thể xây dựng cơ chế bù giá hiệu quả.
Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam, ví dụ như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Riêng Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận mức của Nhật Bản. Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
“Từ đó có thể thấy vấn đề không đơn giản chỉ là giá điện tăng hay giảm, mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia. Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường trong xác lập giá điện - minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng đầu tư năng lượng sạch”, ông Sơn cho hay.
Theo chuyên gia, nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài.
Bài toán khó bắt buộc phải giải
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí. Đồng thời, cần có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh, đảm bảo không tạo ra "cú sốc" về giá cho người dân và nền kinh tế. Việc này đòi hỏi sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường. Đây là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, các tín hiệu về việc ban hành cơ chế, nghị định và chính sách điều chỉnh của Chính phủ đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, cần tiếp tục cụ thể hóa bằng các hành động mạnh mẽ hơn, hướng tới một thị trường điện minh bạch, công bằng, ổn định, để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước gắn bó dài hạn với ngành năng lượng Việt Nam”, ông Sơn nói.
Chung quan điểm, ông Phan Đức Hiếu cho biết, lần sửa đổi này, Luật Điện lực đã có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cơ chế xác lập giá điện: "Chúng ta đang cố gắng tận dụng tối đa những quy định mới này để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam - một thị trường có đặc thù riêng".
Theo ông Hiếu, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong cơ chế giá điện. Bên cạnh đó, còn cần đảm bảo tính hợp lý của chi phí.
“Tại sao tôi lại nhấn mạnh điều này? Vì điện là đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu chúng ta xây dựng một thị trường điện quá hấp dẫn, lợi nhuận quá cao, biến điện thành một kênh đầu tư thu hút vốn đơn thuần, thì rất có thể sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế”.
Theo chuyên gia, việc xây dựng khung pháp lý cho thị trường điện lần này là một thách thức lớn: Làm sao vừa tạo được môi trường hấp dẫn cho đầu tư, vừa giữ mức giá điện hợp lý để không đẩy chi phí đầu vào sản xuất lên cao.
Trong khi chờ đợi một thị trường điện hoàn chỉnh, cần những giải pháp ngắn hạn hiệu quả để duy trì an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời vẫn tạo được lợi nhuận đủ hấp dẫn để giữ chân nhà đầu tư.
Bài toán đặt ra là phải cân đối hài hòa lợi ích giữa người phát điện và người tiêu dùng – một nhiệm vụ không thể né tránh nếu muốn tiến tới một thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo, minh bạch và bền vững như Luật Điện lực đề ra.
Đỗ Kiều-Link gốc