Phá giá triệt để, dư cung kéo dài và niềm tin thị trường lao dốc đang đẩy ngành xe điện Trung Quốc đến bờ vực khủng hoảng. Khi hàng loạt doanh nghiệp nhỏ lần lượt rút lui, nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trong toàn ngành ngày càng trở nên rõ nét.
Ngành công nghiệp xe điện chìm trong vòng xoáy giá rẻ
Cuộc chiến giảm giá đang nhấn chìm ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, khiến giá cổ phiếu lao dốc và buộc chính phủ nước này phải can thiệp. Giới phân tích cho rằng đợt thanh lọc này có lẽ mới chỉ bắt đầu.
Bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn làn sóng giảm giá, giới phân tích cho biết sự kết hợp giữa nhu cầu suy yếu và tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng sẽ tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của cả những thương hiệu mạnh nhất, đồng thời buộc các đối thủ yếu hơn phải rời cuộc chơi.
.png)
Khách hàng đang xem xe điện BYD tại một triển lãm ô tô ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 10/4/2025. (Ảnh: Stringer/AFP/Getty Images)
Ngay cả sau khi số lượng nhà sản xuất xe điện bắt đầu giảm lần đầu tiên trong năm ngoái, ngành công nghiệp này vẫn chỉ đang sử dụng chưa đến một nửa công suất hiện có. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu ô tô Gasgoo (Thượng Hải), tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất trung bình trong ngành ô tô Trung Quốc chỉ đạt 49,5% vào năm 2024.
Trước tình hình này, chính quyền Trung Quốc trong tuần trước đã triệu tập lãnh đạo các hãng xe lớn đến Bắc Kinh và chỉ trích “cuộc đua tranh giành thị phần bằng mọi giá”.
Các CEO trong ngành ô tô Trung Quốc đã được yêu cầu “tự điều chỉnh” và không được bán xe dưới giá thành hoặc thực hiện các chương trình giảm giá phi lý.
Dù vậy, những nỗ lực can thiệp trước đây gần như không mang lại kết quả. Ít nhất trong ngắn hạn, các nhà đầu tư dự đoán sẽ chỉ còn rất ít hãng xe "sống sót" sau cơn bão giảm giá này. Ngay cả BYD, vốn được xem là bên hưởng lợi lớn nhất từ quá trình tái cấu trúc ngành, cũng đã mất hơn 21,5 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường kể từ khi cổ phiếu đạt đỉnh vào cuối tháng 5.
Ông John Murphy, chuyên gia phân tích ô tô cấp cao tại Bank of America, nhận định: “Tình hình ở Trung Quốc thật đáng lo ngại, do nhu cầu sụt giảm và các đợt giảm giá triệt để”. Ông cho rằng một “cuộc hợp nhất quy mô lớn” là điều tất yếu để giải quyết tình trạng dư thừa công suất.
Hệ lụy toàn diện từ cuộc đua phá giá xe điện
Đối với các nhà sản xuất ô tô, việc giảm giá liên tục đang bào mòn biên lợi nhuận, làm suy yếu giá trị thương hiệu và khiến ngay cả những công ty có tiềm lực tài chính mạnh cũng rơi vào trạng thái bấp bênh.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo rằng các sản phẩm giá rẻ và chất lượng thấp có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng toàn cầu của ô tô “Made in China”. Điều này diễn ra đúng thời điểm các mẫu xe của BYD, Geely, Zeekr và Xpeng đang bắt đầu nhận được sự đánh giá tích cực từ thị trường quốc tế.
.png)
Nhiều thương hiệu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ sản lượng dư thừa (Ảnh: cnsphoto)
Đối với người tiêu dùng, việc giảm giá có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro sâu xa. Giá cả liên tục biến động khiến niềm tin bị xói mòn, nhiều người đã phàn nàn trên mạng xã hội Trung Quốc, tự hỏi tại sao họ nên mua xe ngay bây giờ khi giá có thể còn rẻ hơn vào tuần sau.
Đồng thời, việc các hãng xe phải cắt giảm chi phí để tồn tại cũng đặt ra nguy cơ về chất lượng, độ an toàn và dịch vụ hậu mãi bị suy giảm.
Nhiều chuyên gia không ngần ngại chỉ ra rằng chính BYD là tác nhân gây nên tình trạng hỗn loạn hiện nay. “Họ muốn tạo thế độc quyền trong khi buộc những người khác rời bỏ thị trường”, ông Jochen Siebert, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn JSC Automotive, nhận định.
Theo ông, các chiến thuật "hung hăng" của BYD đang gây lo ngại về hành vi bán phá giá, quản lý đại lý lỏng lẻo và tình trạng siết chặt các nhà cung cấp.
Ông Ron Zheng, đối tác tại công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger, nhận định: “Dù có quy mô rất lớn, thị trường ô tô Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Các hãng xe buộc phải đặt ưu tiên hàng đầu vào việc giành thêm thị phần".
Trường hợp của Jiyue Auto cho thấy tốc độ sa sút có thể nhanh đến mức nào. Chỉ hơn một năm sau khi ra mắt mẫu xe đầu tiên, hãng xe được hậu thuẫn bởi những tên tuổi lớn như Zhejiang Geely và "gã khổng lồ" công nghệ Baidu đã phải cắt giảm quy mô sản xuất và tìm kiếm nguồn vốn mới. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan với mọi hãng xe, đặc biệt là các công ty nhỏ.
Dù nhiều thương hiệu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ sản lượng dư thừa, thị trường quốc tế cũng chỉ có thể hấp thụ một phần.
“Thị trường Mỹ đã hoàn toàn khép lại, và Nhật Bản cùng Hàn Quốc nhiều khả năng cũng sẽ đóng cửa nếu họ chứng kiến sự 'tấn công' từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Nga, từng là thị trường xuất khẩu lớn nhất năm ngoái, giờ cũng đang trở nên rất khó khăn. Tôi cũng không còn thấy Đông Nam Á là cơ hội tiềm năng nữa", ông Siebert cảnh báo.
Cuộc họp gần đây giữa chính phủ Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm chấm dứt cuộc chiến giá cả. Vào giữa năm 2023, 16 nhà sản xuất lớn, bao gồm Tesla, BYD và Geely, đã ký một hiệp ước dưới sự chứng kiến của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), cam kết tránh “các hành vi định giá bất thường”.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, CAAM đã hủy bỏ một trong bốn cam kết, với lý do đề cập đến giá cả là không phù hợp và vi phạm luật chống độc quyền. Kết quả là các đợt giảm giá vẫn tiếp tục không ngừng.
Link gốc