Tóm tắt:
|
Xu hướng phục hồi kinh tế tiếp tục được củng cố trong tháng 8, thể hiện rõ nét qua tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất khẩu và đầu tư công. Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu đã tăng tốc trở lại trong tháng 8, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh dòng vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định, tiêu dùng vẫn tiếp đà hồi phục mạnh mẽ, chúng tôi cũng thấy thêm điểm sáng từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Chỉ số PMI cũng cho thấy kỳ vọng mở rộng sản xuất trong 11 tháng liên tiếp (với PMI duy trì trên 50 điểm liên tục từ tháng 10/2021). Theo S&P Global, tăng trưởng sản xuất của Việt Nam đạt tốc độ nhanh hơn trong bối cảnh nhu cầu cải thiện, cùng với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn trong tháng.
Chúng tôi kì vọng hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm, nhờ vào những yếu tố tích cực sau: 1) tốc độ tăng chi phí đầu vào tiếp tục ở mức thấp; 2) chuỗi cung ứng của thế giới được kỳ vọng ổn định lại sau khi Trung Quốc nới lỏng bớt các biện pháp giãn cách do dịch bệnh Covid-19; và 3) các dự án đầu tư công trong nước đang được thúc đẩy.
Lạm phát tháng 8 hạ nhiệt mạnh xuống 2,89% nhờ giá xăng trong nước giảm; tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 8 tiếp tục tăng lên 3,06% chủ yếu do giá thịt heo tăng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hành động rất linh hoạt, khi vừa kiểm soát được lạm phát, vừa bình ổn được lãi suất, lại vừa linh hoạt điều hành tỷ giá trong bối cảnh bên ngoài còn nhiều bất ổn.
Kinh tế thế giới vẫn chưa quá khởi sắc, lạm phát Châu Âu duy trì ở mức cao trước viễn cảnh mùa đông đang đến gần; trong khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, phủ thêm bóng đen lên triển vọng toàn cầu. Rủi ro lớn nhất cần theo dõi là rủi ro đình lạm (stagflation) ở các nước trên thế giới (đang có dấu hiệu trở lại).
|