Nhìn lại diễn biến tuần qua
• Bối cảnh toàn cầu: o Thị trường chứng khoán tại Mỹ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư đến từ thị trường quốc tế trong bối cảnh S&P 500 và Nasdaq đều liên tiếp chinh phục các vùng đỉnh mới trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã dần hạ nhiệt, báo hiệu một môi trường lãi suất dần trở nên ổn định hơn và mang đến nhiều tín hiệu tích cực đối với các nhóm tài sản rủi ro khác như Bitcoin. Trong khi đó, bức tranh trái chiều giữa sự suy yếu trong các hoạt động kinh tế tại EU và những tín hiệu phục hồi đầu tiên đến từ hoạt động sản xuất của Trung Quốc cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa quá trình phục hồi gập ghềnh giữa các nền kinh tế trọng điểm; đặc biệt khi các tác động tiêu cực từ cuộc chiến giữa Nga – Ukraine dần thẩm thấu và kiềm hãm đà phục hồi của khu vực đồng Euro.
• Thị trường chứng khoán Việt Nam: o VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với mức tăng gần 20 điểm và đóng cửa tại 1.270,14 điểm (+1,57% WoW). Đáng chú ý là phần lớn đà tăng điểm đến từ phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản lẫn mức tăng của hàng loạt cổ phiếu đến từ nhiều nhóm ngành trong ngày 5/12 như Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính, Bảo hiểm, Thép...với VN-Index kết thúc phiên giao dịch với mức tăng hơn 27 điểm. o Câu chuyện dẫn dắt thị trường dù tồn tại nhiều ẩn số song các thông tin đáng chú ý sau được xem là một trong những động lực chính: (1) FTSE bày tỏ quan điểm tích cực về nỗ lực đáp ứng các tiêu chí về giao dịch không ký quỹ, củng cố hy vọng về việc sớm thành công nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 3/2025, (2) tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng tốc trong tháng 11, (3) NVIDIA ký kết thỏa thuận xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu và nghiên cứu, phát triển AI tại Việt Nam. o Triển vọng: Đà tăng trong tháng 12 đã được củng cố sau đà tăng điểm bứt phá ở ba tuần gần nhất. Dù các nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn còn hiện hữu khi đà tăng đã có phần chững lại trong phiên ngày 6/12 dù tiếp tục được củng cố bởi đà tăng của FPT và nhóm cổ phiếu họ Vingroup, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng tìm thấy điểm cân bằng tại các vùng hỗ trợ ngắn hạn mới tại 1,250 – 1.260 điểm trước khi tiếp đà chinh phục vùng cản tâm lý 1.300 điểm.
Thông tin cần theo dõi trong tuần tới
• Tăng trưởng GDP quý 3 của Nhật Bản • Quyết định lãi suất đến từ RBA, BOC và ECB • Lạm phát tại Trung Quốc, Đức và Mỹ
• Sản lượng công nghiệp tại UK và Châu Âu
|