Thế giới
• Thương chiến và lạm phát: Dù lạm phát đã có phần hạ nhiệt trong tháng 2 với CPI và CPI cơ bản tại Mỹ đều giảm 20 điểm cơ bản so với tháng trước các yếu tố này vẫn chưa hoàn toàn phản ánh các rủi ro tiềm ẩn đến từ thương chiến. Trong biên bản dự phóng kinh tế tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, các quan chức cho rằng tăng trưởng năm 2025 sẽ thấp hơn trong khi lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp đều sẽ cao hơn so với biên bản dự phóng trước đó công bố vào tháng 12.
Việt Nam
• VN-Index chính thức ghi nhận nhịp điều chỉnh đầu tiên với mức giảm 4,27 điểm trong tuần qua và đóng cửa tại 1.321,88 (-0,32% WoW). Tuy nhiên, biên độ giao động của thị trường là tương đối lớn với mức chênh lệch giữa mức giá cao nhất và thấp nhất của tuần lên đến hơn 25 điểm.
• Áp lực chốt lời tại nhóm Ngân hàng được xem là tác nhân chính đối với nhịp giảm điểm trong tuần qua, theo sau là nhóm F&B (MSN) và Công nghệ (FPT). Ở chiều ngược lại, sắc xanh lan tỏa tại nhiều nhóm ngành, đặc biệt là nhóm cổ phiếu họ Vingroup như VIC và VHM, tiếp tục giúp củng cố nền giá mới của thị trường trên vùng đỉnh cũ.
• Thanh khoản sụt giảm với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng mỗi phiên (-14% WoW).
• Điểm sáng trong tuần qua đến từ động thái mua ròng đến từ nhóm nhà đầu tư trong nước; trong đó, Tự doanh mua ròng gần 1,4 nghìn tỷ đồng trong khi khối ngoại bán ròng gần 4 nghìn tỷ đồng với áp lực bán tập trung tại FPT
• Triển vọng:
o Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vùng hỗ trợ trong ngắn hạn của VN-Index sẽ được hình thành quanh vùng 1.310 điểm khi vùng 1.315 điểm dù ghi nhận diễn biến khá tích cực trong phiên ATC ngày 21/03 song tín hiệu đảo chiều vẫn cần tiếp tục theo dõi ở những phiên giao dịch tiếp theo. o Ở kịch bản tích cực, chúng tôi kỳ vọng áp lực chốt lời của FPT sẽ dần suy giảm đối với vùng giá hiện tại cùng với diễn biến tích cực của nhóm Bất động sản sẽ tiếp tục duy trì khi dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu; qua đó, tạo đà cho xu hướng tăng trong trung và dài hạn.
o Ở kịch bản thận trọng hơn, chúng tôi vẫn cho rằng tác động của thương chiến đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế và chính sách tiền tệ của Fed vẫn còn là một ẩn số khi bối cảnh về lạm phát hiện tại của Mỹ vẫn chưa cho phép các động thái cắt giảm mạnh tay và có thể lộ trình hạ lãi suất sẽ kéo dài hơn dự kiến; qua đó, tác động ngược lên tâm lý giao dịch chung đối với thị trường thế giới và cũng như Việt Nam nói riêng.
|