Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh lên đến gần 2.000 tỉ đồng, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chỉ còn dưới 70 tỉ đồng.
Theo báo cáo về hoạt động kinh doanh năm 2014 được trình bày tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (lần thứ 30) của Eximbank hôm 21-7 tại TPHCM, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank là 1.940 tỉ đồng, nhưng do trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC nên lợi nhuận hợp nhất cuối năm 2014 trên sổ sách của Eximbank đạt thấp, với lợi nhuận trước thuế trên sổ sách đạt 69 tỉ đồng, chỉ đạt 3,8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế là 56 tỉ đồng.
Việc trích lập dự phòng rủi ro trước khi thực hiện quyết toán tài chính năm 2014 là theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn.
Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay của Eximbank là 87.147 tỉ đồng, tăng 4,5% so với năm 2013 và hoàn thành 97% kế hoạch, trong đó nợ nhóm 1 là 84.466 tỉ đồng, nhóm 2 là 2.536 tỉ đồng, nhóm 3 là 246 tỉ đồng, nhóm 4 là 555 tỉ đồng và nhóm 5 là 1.344 tỉ đồng. Nợ xấu của Eximbank đến cuối năm ngoái là 2.144 tỉ đồng, chiếm 2,46% tổng dư nợ. Trích lập dự phòng rủi ro 1.251 tỉ đồng.
Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 101.380 tỉ đồng, tăng 22,7% so với cuối năm 2013, hoàn thành 101% kế hoạch. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 97.956 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2013 và hoàn thành 107% kế hoạch.
Theo đó, cổ tức dự kiến trong năm 2014 là 0%, không thực hiện được cổ tức theo kế hoạch 8,5%. Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh của Eximbank cũng đạt khá thấp, với ROA 0,03% và ROE 0,39%.
Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, Hội đồng quản trị đã phân cấp cho các chi nhánh với hạn mức cấp tín dụng tương đối cao, nhưng do kiểm tra chưa kỹ nên có một số trường hợp đã phát sinh nợ xấu. Con số nợ xấu mà Eximbank báo cáo là con số thực chứ không phải con số đã được cơ cấu lại.
Tại đại hội, Eximbank cũng đưa ra mục tiêu kinh doanh giai đoạn 2015-2020. Trong đó, Eximbank phấn đấu nằm trong tốp 5 ngân hàng thương mại cổ phần, không bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước. Tăng trưởng vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là 10%, tổng tài sản tăng từ 12-17%/năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, tổng dư nợ tăng trưởng từ 11-20%/năm.
Ông Dũng cho biết tin tưởng các chỉ tiêu tham vọng trong 5 năm tới Eximbank hoàn toàn có thể đạt được. Bởi vì, cuối năm nay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký, theo đó Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của thế giới, do đó, nhu cầu đất đai văn phòng nhà ở tăng lên, nên nợ xấu liên quan đến bất động sản sẽ tự động được thị trường giải quyết.
Phương án nhân sự có thể phải dời qua đại hội bất thường
Liên quan đến kế hoạch nhân sự cho nhiệm kỳ tới, Eximbank đã lên phương án nhân sự từ tháng 3, trong đó có 2 thành viên mới dự kiến ứng cử vào Hội đồng Quản trị Eximbank vốn là lãnh đạo của NamA Bank. Tuy thế, trong đại hội này phương án nhân sự đã không được bàn đến.
Từ đầu tuần này, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa thông qua phương án nhân sự để Eximbank đưa ra bầu cử trong đại hội này. Và một khả năng có thể diễn ra là Eximbank sẽ phải tổ chức một cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sau đó để bầu nhân sự mới cho nhiệm kỳ tới.
Lý do vì sao Eximbank lai không được thông qua danh sách ứng cử viên được vị này giải thích là nhằm tránh tình trạng nguồn tiền mua cổ phần không rõ nguồn gốc, không minh bạch, gây khó cho quá trình tái cơ cấu, nên hiện NHNN đang cho thanh tra nguồn gốc tiền mua cổ phần Eximbank của một số cá nhân, tổ chức.
Trong tháng 3, hai lãnh đạo đã thôi nhiệm của NamA Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc và ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc đã đại diện phần vốn của "tổ chức" để ứng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank và dự kiến trong đại hội hôm nay việc bầu cử sẽ diễn ra. Tuy thế, đại hội hôm nay đã không nói đến vấn đề nhân sự.
Theo công bố của Eximbank, ông Vũ đại diện cho 8,4% cổ phần của tổ chức và 1,63% cổ phần của cá nhân, còn ông Tâm giữ 7,5% cổ phần của tổ chức, và 2,85% cổ phần cá nhân.
Trước đó, như Thời báo Sài Gòn Online đã đưa tin, Vietcombank đã dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết chiếm 8,2% vốn điều lệ của Eximbank, tương đương 101,2 triệu cổ phiếu cho một cá nhân xuất thân từ Ngân hàng TMCP Nam Á là ông Trần Ngô Phúc Vũ.
T.Thu - T.Nguyên
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.