Với mức chi trả cổ tức lên đến 200%, CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) trở thành doanh nghiệp niêm yết “hào phóng” nhất TTCK. Ngoài việc chi trả cổ tức khủng, vấn đề được cổ đông quan tâm nhất hiện nay là tập đoàn này sẽ làm gì với số tiền mặt khủng mà doanh nghiệp này đang sở hữu?
Cán đích năm 2015
Theo BCTC quý II mới vừa được KDC công bố, KDC đã chính thức vượt kế hoạch cả năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần trong quý II của KDC tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, đạt mức 1.124 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc tăng trưởng doanh thu của nhóm sản phẩm kem, các sản phẩm từ sữa và phần đóng góp của các sản phẩm mì ăn liền và dầu ăn mới được tung ra thị trường. Lợi nhuận gộp quý II tăng 5,6% nhờ sự tăng trưởng của nhóm sản phẩm kem và các sản phẩm mới.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm còn 39,5% so với mức 41,9% của cùng kỳ năm ngoái, do KDC đang tập trung đầu tư cho các hoạt động marketing và bán hàng khi đưa các sản phẩm mới ra thị trường như: mì ăn liền, dầu ăn, hạt nêm. Các khoản đầu tư này bao gồm chi phí phát triển sản phẩm mới, đầu tư hệ thống phân phối, phát triển kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Bù lại, lợi nhuận hoạt động tài chính từ việc chuyển giao 80% mảng bánh kẹo đã đóng góp chủ yếu vào 6.535 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của quý II và giúp KDC hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm. Năm 2015, KDC đã đặt kế hoạch doanh thu ở mức 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 6.500 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2014, doanh thu giảm 40% và lợi nhuận tăng cao hơn 9 lần.
Về thương vụ chuyển nhượng mảng bánh kẹo của KDC, sau thời gian thương thảo từ cuối năm 2014, trung tuần tháng 7 vừa qua, KDC đã hoàn tất chuyển nhượng 80% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương cho đối tác ngoại là Tập đoàn Mendelez International đến từ Hoa Kỳ với mức giá khoảng 370 triệu USD (tương đương 7.800 tỷ đồng).
Được biết, Mondelez International là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng và bàn giao công việc giữa 2 bên, hãng bánh kẹo của Hoa Kỳ chính thức đổi tên doanh nghiệp bánh kẹo này thành Mondelez Kinh Đô.
Đầu tư cho tương lai
Theo số liệu công bố tại ĐHĐCĐ của KDC được tổ chức ngày 26-6 vừa qua, tập đoàn hiện có khoản tiền mặt rất lớn (hơn 9.568 tỷ đồng), bao gồm cả khoản tiền chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelez International. Với số tiền khủng này, KDC sẽ dự chi 4.620 tỷ đồng để chia cổ tức 200% (20.000 đồng/CP) cho cổ đông (ngày chi trả dự kiến là 21-8). Ngoài ra, KDC còn dùng số tiền này để đăng ký mua CP quỹ. Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 1-12-2014 đã thông qua phương án mua lại 30% vốn điều lệ (xấp xỉ 77 triệu cổ phần).
Đến thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ KDC mới chỉ mua vào hơn 21 triệu CP. Mới đây, KDC cũng bỏ ra 1.000 tỷ đồng để đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á. Được biết KDC sẽ tiếp tục mua vào cho đủ số lượng CP quỹ trong thời gian tới với số tiền dự kiến là 4.400 tỷ đồng từ nguồn khác.
Số tiền còn lại sẽ được KDC dùng làm nguồn vốn khi công ty tìm kiếm được các cơ hội đầu tư mới từ các ngành hàng sữa, mì gói, gia vị, dầu ăn. Theo công bố của KDC, trọng tâm của 6 tháng cuối năm hoàn thiện cấu trúc mới của công ty sau chuyển giao, đẩy mạnh thâm nhập thị trường của mảng mì gói và tạo sức bật cho các sản phẩm dầu ăn.
Đối với mảng mì gói, KDC tiếp tục hợp tác liên doanh với Saigon Ve Wong để tăng năng suất sản xuất, đảm bảo năng lực cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm mới cho các phân khúc thị trường khác nhau.
Đối với mảng dầu ăn, KDC cùng với Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Corporation (ITL) ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam. Với việc hợp tác này, KDC sẽ tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm bằng việc cải thiện chất lượng, chi phí nguyên liệu và phát triển sản phẩm mới. Từ đó sẽ đẩy mạnh việc thâm nhập thị trường đối với các sản phẩm hiện hữu và mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn chất lượng đối với sản phẩm dầu ăn đóng chai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với kinh nghiệm về quản lý, hệ thống phân phối sẵn có và nguồn lực tài chính tốt, KDC đang có nhiều lợi thế để triển khai những ngành hàng mới.
Trong số các ngành hàng mới, KDC sẽ sớm thành công trong lĩnh vực dầu ăn nhờ việc cải thiện hoạt động, tận dụng các lợi thế về kho bãi và sản xuất của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) cũng như có được nguồn nguyên liệu giá tốt thông qua liên doanh dầu ăn với FGV và ITL.
Hải Hồ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.