Doanh thu tăng, biên lợi nhuận gộp giảm
Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) ghi nhận doanh thu quý III 1.689 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ, nhờ giá bán tăng 6,8% và sản lượng tiêu thụ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, giá bán tăng không đủ bù đắp chi phí sản xuất khiến cho biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống còn 13,7% từ mức 14,6%.
Tiếp nối đà đi ngang trong nửa đầu năm, sản lượng tiêu thụ của BFC ổn định ở mức 169.000 tấn trong quý III. Tổng cộng trong 9 tháng, sản lượng tiêu thụ của BFC đạt 519.000 tấn tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty đã tăng giá bán khoảng 6,8% trong quý vừa qua nhưng mức tăng vẫn chưa đủ để bù đắp cho việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng khoảng 7,9%. Chính vì vậy, biên lợi nhuận gộp của BFC giảm từ 14,6% xuống còn 13,7% trong quý III. Tính trung bình trong 9 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp của BFC chỉ đạt 13,6%, giảm so với mức 15,5% trong cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động xuất khẩu là điểm sáng le lói khi lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 15,2% từ mức 8,3%. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp doanh thu của hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm 14,6%, không đủ cứu vãn cho hoạt động chung.
Bên cạnh biên lợi nhuận gộp giảm, BFC lại tiếp tục duy trì chính sách đẩy mạnh quảng cáo, áp dụng nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng và kết quả là chi phí bán hàng tăng mạnh 33% trong quý III. Trong bối cảnh đó, lợi nhuận sau thuế của BFC chỉ đạt 58 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ.
Mặc dù không phải mùa cao điểm, quý IV công ty vẫn phải duy trì chính sách bán hàng trong bối cảnh tình hình tiêu thụ phân bón không khả quan. Điều này cho thấy BFC nhiều khả năng sẽ khép lại năm 2018 với lợi nhuận giảm so với 2017. Cụ thể, VDSC dự phóng doanh thu của BFC đạt 6.604 tỷ đồng, tăng 4,7% và lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ là 211 tỷ đồng, sụt giảm 23,8%.
BFC cần giải bài toán tăng trưởng
VDSC nhận thấy cạnh tranh ở phân khúc NPK sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới khi rất nhiều công ty lớn trong ngành tham gia vào lĩnh vực này như LAS, DPM khiến nguồn cung tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu phân NPK trong nước chỉ ở mức 4 triệu tấn/năm và không tăng trong vòng 4 năm trở lại đây, kiềm hãm khả năng tăng trưởng ở thị trường nội địa.
Cơ hội còn lại cho BFC nằm ở việc tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới mà kết quả theo VDSC quan sát là vẫn chưa khả quan. Chính vì vậy sản lượng tiêu thụ của công ty trong những năm tới khó tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, một cuộc chiến về giá cũng là một điểm trừ cho triển vọng sắp tới khi công ty khó có thể tăng giá bán bù đắp phần chi phí tăng lên từ nguyên vật liệu để duy trì thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn.
Dù vậy, BFC vẫn còn câu chuyện thoái vốn từ Vinachem trong thời gian tới và VDSC tin rằng đây cũng có thể là một chất “xúc tác” khác cho cổ phiếu.
Thêm nữa, với tỷ lệ cổ tức tiền mặt theo kế hoạch là 2.500 đồng/cp, tỷ suất cổ tức trên thị giá khá hấp dẫn nếu so với lãi suất tiết kiệm ở thời điểm hiện tại và dự phóng trong năm tới. Cho dù hoạt động kinh doanh được dự báo khó có khả năng bức phá mạnh trong điều kiện hiện tại, BFC vẫn đủ khả năng giữ vững tỷ lệ cổ tức tiền mặt từ 2.500 đồng/cp đến 3.000 đồng/cp đều đặn hằng năm.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.