Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (mã CTG) vừa có công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017.
Theo đó, kết thúc năm 2017, Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế 9.206 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với năm 2016. Với kết quả này, Vietinbank đã vượt 4,6% kế hoạch lợi nhuận năm (8.800 tỷ đồng).
Trong đó, hoạt động tín dụng vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn thu của ngân hàng khi mang về khoản thu nhập lãi thuần 27.072 tỷ đồng, tăng trưởng 21,4%.
Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trên thị trường 1 của Vietinbank có sự chênh lệch khá lớn khi cho vay khách hàng tăng mạnh 19,4%, lên gần 790,7 nghìn tỷ đồng trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 14,9%, lên gần 752,4 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, hệ số cho vay/tổng tiền gửi của ngân hàng hiện ở mức rất cao, tới 105%, so với mức hơn 87% trung bình toàn ngành.
Cũng theo BCTC đã kiểm toán, thì đến ngày 31/12/2017, Vietinbank đang có tổng cộng 9.011 tỷ đồng nợ xấu, tăng 52 tỷ đồng so với con số trên BCTC tự lập của ngân hàng và tăng 29% so với thời điểm đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến cuối năm là 1,14%/tổng dư nợ, so với mức báo cáo tự lập là 1,13% và số hồi đầu năm là 1,02%.
Ngoài kết quả kinh doanh, thì một thông tin đáng chú ý được tiết lộ trong BCTC kiểm toán của Vietinbank chính là thông tin liên quan đến thương vụ sáp nhập PGBank.
Theo đó, Vietinbank cho biết, hiện hai ngân hàng đã có thoả thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập. Hai bên sẽ có báo cáp cấp có thẩm quyền của mỗi bên để phê duyệt chấm dứt giao dịch sáp nhập.
Trước đó, ngày 22/5/2015, Vietinbank và PGBank đã ký kết Hồ sơ về việc sáp nhập PGBank vào ngân hàng theo phê duyệt của ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, hai năm sau đó (năm 2017), việc sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa thể hoàn tất. Nguyên nhân được ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch ngân hàng Vietinbank cho biết, là do hai bên đang thực hiện kiểm toán lại, và quan trọng hơn, là thực hiện đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi.
Trong một diễn biến liên quan, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tổ chức mới đây, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội – MB cho biết, MB đang nghiên cứu và đang trong quá trình đàm phán sáp nhập PGBank. Dù đại diện MB cho biết, hai bên vẫn chưa đi đến một thoả thuận cuối cùng nào, nhưng điều này cũng cho thấy có khả năng hai ngân hàng có thể sẽ về một nhà trong tương lai.
Liên quan đến nghĩa vụ nợ tiềm ẩn trong vụ án Huyền Như của ngân hàng, hiện VietinBank đang là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên là nhân viên của Chi nhánh TP.HCM và Chi nhánh Nhà Bè) chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 9/2/2018 của Toà án Nhân dân TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn phải liên đới bồi thường cho CTCP Thương mại và Đầu tư Hưng Yên số tiền 200 tỷ đồng và cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường 885 tỷ đồng cho 4 công ty bao gồm CTCP Chứng khoán Saigonbank – Berjaya số tiền 210 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Phương Đông số tiền 380 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Thương mại An Lộc số tiền 170 tỷ đồng và CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu số tiền 125 tỷ đồng.
Đến thời điểm lập BCTC, Bản án sơ thẩm nêu trên chưa có hiệu lực pháp luật do có kháng cáo của một số người tham gia tố tụng. Vụ án đang được các cơ quan tiến hành tố tụng và xét xử theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Vietinbank cho biết, dựa trên kết quả của các thủ tục đối chiếu, rà soát và kiểm tra nội bộ đã thực hiện đến thời điểm lập báo cáo (28/3), Ban Điều hành tin tưởng Vietinbank không phải chịu trách nhiệm liên đới và bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến hành vi vi phạm phát luật của các cá nhân trên.
TRẦN THÚY
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.