Cuộc họp Công bố kế hoạch niêm yết của Techcombank được tổ chức vào ngày 23/5 - đúng một ngày sau khi ngân hàng này nhận quyết định niêm yết của Sở GDCK TP HCM. Giải thích việc mở đầu buổi công bố bằng những hình ảnh trong giải thi đấu Techcombank Ironman 70.3 Vietnam vừa diễn ra tuần trước đó, phía nhà băng này cho biết có điểm giống nhau giữa tinh thần thể thao vượt qua giới hạn bản thân trong giải đấu ba môn phối hợp chạy – bơi – đạp xe này với tinh thần của Techcombank trên hành trình niêm yết.
Vốn hóa gấp 3,5 lần ACB, giá chào sàn 128.000 đồng/cp của TCB là đắt hay rẻ?
Không thay đổi so với các thông tin không chính thức trên thị trường cách đây vài tháng, Techcombank vẫn giữ nguyên kế hoạch niêm yết vào đầu tháng 6 (ngày 4/6) với giá bằng giá chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài (128.000 đồng/cp). Nhưng điều thay đổi là diễn biến của thị trường chứng khoán nói chung và dòng cổ phiếu ngân hàng nói riêng đã có nhiều thay đổi thời gian qua.
Từng là dòng cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường, từ trung tuần tháng 4, nhóm cổ phiếu ngân hàng xác lập xu hướng giảm. Cổ phiếu VCB, từng đạt đỉnh 74.700 đồng/cp hiện chỉ còn giao dịch ở mức 54.500 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 23/5) nhưng vẫn là cổ phiếu có giá cao nhất trên sàn.
Trả lời câu hỏi về việc cổ phiếu TCB lên sàn không được như kỳ vọng khi thị trường không thuận lợi, Giám đốc Tài chính Techcombank cho rằng nhà băng này tập trung vào dài hạn là phát triển ngân hàng. Chiến lược lâu dài tốt thì thời gian dài giá trị của Techcombank sẽ được phản ánh đúng.
Chào sàn ở mức giá 3 con số nhưng ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank cũng nhấn mạnh mức giá này sau khi chia cổ tức, cổ phiếu thưởng sẽ điều chỉnh xuống còn bốn mấy ngàn và không phải là cao. Theo tính toán của NDH, với 1 cổ phiếu nhận thêm 2 cổ phiếu mới thì tại từ mức 128.000 đồng, giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh xuống còn 49.000 đồng/cp. Lãnh đạo Techcombank cũng cho biết nếu các thủ tục diễn ra như kế hoạch thời gian chia thưởng sẽ vào 6-8 tuần sau niêm yết.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Phụ trách mảng ngân hàng đầu tư kiêm Chủ tịch CTCP Chứng khoán Kỹ Thương Việt Nam (TCBS) cho biết đây là mức giá do nhà đầu tư quyết định. Ông cũng hé lộ đợt IPO cách đây vài tháng có lượng đặt mua cổ phiếu xấp xỉ 4-4,5 tỷ USD, cổ phiếu bán ra không đủ để đáp ứng nguồn cầu lớn.
Theo bản cáo bạch niêm yết của ngân hàng này, VCSC định giá Techcombank là 137.000 đồng/cp với P/E và P/B lần lượt là 23,1 lần và 2,8 lần. Phương pháp so sánh hệ số P/E chiếm trọng số lớn nhất trong các phương án. Nhưng một thực tế là dù nhiều cổ phiếu niêm yết thời gian gần đây cũng lựa chọn giá bán IPO là cơ sở để tính toán giá chào sàn như VHM nhưng sau đó VHM đã phải đặt ra mức giá thấp hơn trong ngày đầu niêm yết.
Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho rằng giá của từng cổ phiếu không mang nhiều ý nghĩa bằng giá trị của cả tổ chức. Từ phiên IPO, Techcombank đang được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá xấp xỉ 6,5 tỷ USD. Với con số trên, dữ liệu của NDH cho thấy khi lên sàn Techcombank sẽ là ngân hàng có giá trị niêm yết lớn thứ 2 sau Vietcombank và bỏ xa nhiều ngân hàng khối tư nhân khác như gấp 2,8 lần vốn hóa MBBank, gấp 3,5 lần vốn hóa ACB. Trong top vốn hóa sàn HoSE, Techcombank cũng vào được Top 10 và đứng vị trí thứ 7.
Sự thay đổi trong 9 tháng và bước đi vội vàng của HSBC
Một cổ phiếu có mức giá “trà đá” nhưng liên tục giữ xu hướng giảm khó được gọi là cổ phiếu rẻ. Tuy nhiên, đắt hay rẻ là những đánh giá khác nhau của nhà đầu tư, tạo nên trạng thái mua bán khác nhau trên thị trường. Câu chuyện giữa Techcombank và HSBC một lần nữa được nhắc lại trong buổi họp này.
Chỉ cách đây 9 tháng, HSBC đã rút lui khỏi Techcombank sau gần 12 năm đầu tư. Với giá bán hơn 23.000 đồng/cp, tính toán cho thấy HSBC đã phải chấp nhận lỗ vì chênh lệch giá và không nhận được một đồng cổ tức.
Việc mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ cùng phương thức chào bán giới thiệu cơ hội đầu tư đến nhiều thị trường tiềm năng là nguyên nhân chính giúp Techcombank thu về thặng dư vốn lớn, tăng giá trị sổ sách của cổ phiếu này. Cùng với lợi nhuận để lại, đây là một trong nguồn để chia cổ tức, chia thưởng sau nhiều năm liên tục nói không.
Giá bán của HSBC chưa bằng phần lẻ của giá Techcombank bán cho NĐT nước ngoài đợt vừa qua. Trả lời về HSBC, lãnh đạo Techcombank nhắc lại việc thoái vốn khoản đầu tư của ngân hàng đa quốc gia này diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, không riêng Việt Nam và đã bắt đầu từ năm 2012. Đánh giá của thị trường là khác nhau, ông Quốc Anh nói.
HSBC phải chăng đã quá vội vàng mà không nhìn ra tiềm năng của viên ngọc mình đang cầm trên tay? Về phía Techcombank, ông Quốc Anh cho biết ngân hàng không ảnh hưởng, sau khi cổ đông chiến lược này thoái vốn Techcombank vẫn hoạt động bình thường.
Chiến lược cho vay theo chuỗi giá trị, giảm cho vay dài hạn doanh nghiệp thay bằng tư vấn phát hành trái phiếu
Năm 2017 và 2018 này, Techcombank đều ghi nhận các khoản lợi nhuận đột biến như từ khoản phí ứng trước khi ký hợp đồng độc quyền với Manulife hay việc bán TechcomFinance các tháng trước. Trả lời câu hỏi về việc không còn các nhân tố bất thường này có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Techcombank các năm tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết như trong năm 2017 dù ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường nhưng ngân hàng lại sử dụng phần lớn để trích lập dự phòng nên không phản ánh mức độ tăng trưởng. Các năm sau, Techcombank sẽ vẫn duy trì tăng trưởng tài sản đều 17-20%, tăng trưởng tổng doanh thu mỗi năm 30%.
Chia sẻ tại buổi công bố về chiến lược kinh doanh của Techcombank, ông Nguyễn Xuân Minh cho biết mục tiêu ngân hàng hướng đến là tập trung vào chất lượng tài sản, chất lượng lợi nhuận.
Khối khách hàng cá nhân tập trung vào nhóm thu nhập vừa và cao ổn định và tích lũy cao đại diện ít hơn 20% tổng dân số nhưng đang nắm 80% giá trị tài sản. Cho vay mua nhà, ô tô, thẻ tín dụng tập trung vào nhóm khách hàng này.
Cho vay khách hàng cá nhân được định hướng tiếp tục tăng lên 55% từ mức 50% hiện nay. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp giảm với định hướng giảm cho vay trung dài hạn để giảm rủi ro cho Techcombank.
Bù lại, với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng tập trung nhiều vào thực hiện ngân hàng giao dịch gồm Quản lý dòng tiền và Tài trợ thương mại. Theo ông Minh, đây là mang lại nguồn thu phí rất lớn. Số tiền mà Techcombank đã đầu tư cho công nghệ để phát triển riêng mảng này này 28 triệu USD, một phần trong kế hoạch ngân sách 300 triệu USD chi cho công nghệ của nhà băng này.
Một điểm khác biệt được ông Minh chỉ ra là Techcombank khi làm việc với một doanh nghiệp lớn là nhìn vào chuỗi giá trị và cung cấp toàn bộ sản phẩm tài chính cho cả chuỗi giá trị từ đó nắm được nhu cầu và giúp quản trị rủi ro tốt hơn.
Ông cũng cho biết hiện Techcombank làm việc với 6,7 chuỗi giá trị bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản… Với riêng Vingroup, Techcombank cho vay không nhiều nhưng tập trung tiếp cận khách hàng cá nhân từ hệ sinh thái của đối tác để cung cấp các sản phẩm tài chính khác. Theo ông, rủi ro ít hơn nhiều nếu tập trung vào chuỗi giá trị. Tiền chạy trong ngân hàng nên chi phí vốn rất thấp.
Giảm tỷ trọng cho vay trung dài hạn, nhưng Techcombank vẫn có phương án để cung cấp sản phẩm tài chính đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn với nhóm này thông qua tư vấn phát hành trái phiếu. Nhiều ngân hàng cũng làm nhưng vị Giám đốc đầu tư của ngân hàng cho biết điểm khác biệt của Techcombank là phân phối trái phiếu ra thị trường, niêm yết, bán cho ngân hàng khác hay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, thậm chí bán cho các nhà đầu tư cá nhân và bán cho khách hàng cá nhân. Năm ngoái, doanh số bán sản phẩm đầu tư của Techcombank là 1 tỷ USD.
Về lo ngại đối với việc mô hình kinh doanh có thể bị sao chép và ngân hàng mất dần sự khác biệt. Ông Minh cũng tự tin cho biết mấu chốt là phải làm sao thực thi được chiến lược, xây dựng 3 nền tảng nhân sự vận hành, quản trị rủi ro và công nghệ. Techcombank cho rằng không bao giờ có thể sao chép 1 văn hóa doanh nghiệp cũng như tự tin về vào công nghệ mà nhà băng này đã đầu tư.
THANH THỦY
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.