Theo báo cáo cập nhật doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc đang tăng mạnh là động lực chính giúp doanh thu của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC)tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, VDS cũng đánh giá cao tiềm năng mở rộng thị trường của VHC tại Mỹ nhờ không bị áp thuế chống bán phá giá và tại châu Âu ở phân khúc hàng giá trị gia tăng nhờ lợi thế sản phẩm được chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo kết quả cuối cùng (công bố ngày 17/3/2018) của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) vụ kiện chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ cho giai đoạn từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016, đa số các doanh nghiệp bị tăng thuế CBPG từ 0,69 USD/kg (POR 12) lên 3,87-7.74 USD/kg. Chỉ có hai doanh nghiệp được hưởng mức thuế CBPG rất thấp là Vĩnh Hoàn (0 USD/kg) và Biển Đông (0,19 USD/kg). Do đó, thuế CBPG lại trở thành một lợi thế cạnh tranh của VHC, giúp doanh nghiệp tăng mạnh thị phần và giữ vững vị thế dẫn đầu tại thị trường Mỹ trong năm 2018. Song, vì mức thuế cao của POR 13 dành cho các đối thủ cạnh tranh của Vĩnh Hoàn chỉ có hiệu lực trong thời gian 1 năm, khả năng mở rộng thị phần của VHC tại Mỹ trong các năm sau vẫn cần được xem xét trong tương quan với các mức thuế của các kỳ POR tiếp theo.
Theo thống kê của VASEP, cơ cấu thị trường cá tra có sự dịch chuyển khi Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, thị trường ASEAN cũng chứng kiến mức tăng 6% năm 2017 và 57% trong quý I/2018. Theo đó, ASEAN có thể sẽ sớm vượt qua EU để trở thành thị trường nhập khấu lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ).
Thế nhưng, mặc dù có diện tích tự nuôi rộng lớn, VHC chỉ mới tự chủ được 30% cá giống. Bởi vậy, VDS cho rằng khả năng sinh lời trong năm 2018 của VHC sẽ khó cải thiện do giá cá giống và giá cá nguyên liệu cao, là hệ quả của việc nguồn cung cá giống trên thị trường đang thiếu hụt trầm trọng. Về dài hạn, hoạt động kinh doanh vẫn tích cực nhờ hưởng lợi từ nguồn cung cá giống tăng trở lại và hoạt động tái cơ cấu mạnh mẽ.
Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu tháng 3 đã tăng 21% so với cùng kỳ 2017 và giá cá giống đã tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2017, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Về dài hạn, VDS tin rằng vấn đề nguồn nguyên liệu sẽ được tháo gỡ khi Nhà nước gần đây đã có những chính sách hỗ trợ sản xuất và kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống cũng như các doanh nghiệp đang dần hình thành vùng nuôi nguyên liệu tự chủ, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của cá nguyên liệu và giúp ổn định đầu vào cho sản xuất.
Khả năng tự cung cấp giống cho các vùng tự nuôi của VHC hiện mới chỉ đạt 30%, phần còn lại phải mua từ bên ngoài. Từ tháng 3/2018, VHC đã giảm bớt sở hữu tại công ty con Vạn Đức Tiền Giang và đầu tư vào vùng nuôi mới 220 ha tại Tân Hưng (Long An) là khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Theo đó, mức độ tự chủ nguyên liệu sẽ tăng lên 70% vào cuối năm 2019 và lên 80% trong dài hạn.
Bên cạnh đó, công ty có dây chuyền sản xuất khép kín tận dụng triệt để phụ phẩm của quá trình chế biến fillet làm đầu vào cho các dây chuyền chế biến bột cá, mỡ cá, collagen và gelatin và một số sản phẩm khác. Chiến lược kinh doanh của VHC là tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT), sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm thương hiệu với tỉ suất sinh lời cao (biên lợi nhuận gộp 22-25% cao hơn nhiều so với fillet đông lạnh 12-16%). VHC đặt mục tiêu tỷ trọng nhóm hàng GTGT đạt 10% doanh thu vào năm 2020.
Nhóm collagen và gelatin với biên lợi nhuận gộp 30% cũng được VHC định hướng là một mặt hàng chủ lực.
VDS dự phóng xuất khẩu 2018 vào các thị trường chính của Vĩnh Hoàn gồm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 194 triệu USD (tăng 31%), thị trường Trung Quốc đạt 42 triệu USD (tăng 68%), EU đạt 19 triệu USD (giảm 1%). Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 332 triệu USD, tăng 23% so với năm trước.
Do nguồn cá giống trên thị trường đang tăng trở lại, chi phí đầu vào kỳ vọng giảm từ quý II và tăng trở lại trong quý IV, thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào cuối năm là các kỳ nghỉ lễ lớn. Theo đó, doanh thu năm 2018 của Vĩnh Hoàn ước đạt 9.439 tỉ đồng, tăng trưởng 15,4% so với năm trước. Biên lãi gộp đạt 14,41%, xấp xỉ mức 14,38% năm 2017.
Năm 2019, doanh thu đạt 10.512 tỉ đồng, tăng 12%, chủ yếu do tăng sản lượng khi nguồn nguyên liệu dồi dào và giá xuất khẩu giảm trở lại sau khi đạt đỉnh vào năm 2018. Biên lãi gộp đạt 15,28%.
Từ tháng 3, tỷ lệ sở hữu của Vĩnh Hoàn tại Vạn Đức Tiền Giang (VĐTG) giảm từ 100% còn 35%. VDS dự báo hoạt động kinh doanh của VĐTG sẽ mở rộng tương ứng với sự gia tăng của vốn điều lệ nhưng không tăng trưởng và do đó hàng năm VHC sẽ ghi nhận 177 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên kết.
VHC định hướng thay thế VĐTG bằng Thanh Bình Đồng Tháp (TBĐT) do vị trí của TBĐT gần với Vĩnh Hoàn hơn (chỉ cách Vĩnh Hoàn 20km). Công suất hiện tại của TBĐT là 100 tấn nguyên liệu/ngày và sẽ được đầu tư nâng lên đến 200 tấn/ngày vào cuối năm 2018 và lên 400 tấn/ ngày vào cuối năm 2019, gia tăng tổng công suất của VHC thêm 35% so với cuối năm 2017. VDS đánh giá đây là một bước đi chiến lược quan trọng giúp VHC gia tăng tỷ suất sinh lời nhờ tăng năng lực chế biến và giảm chi phí quản lý và chi phí vận chuyển nhờ vị trí và quy mô lớn của TBĐT.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.