Trong phiên họp đại hội thường niên đầu tiên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cuối tuần trước, hơn 600 người tập trung kín ở hội trường công ty tại 11B Cát Linh. Phần lớn trong số họ là cán bộ công nhân viên sở hữu cổ phần, số ít còn lại là cổ đông ngoài vừa mua cổ phần thông qua đấu giá.
Buổi họp đầu tiên là dấu mốc quan trọng của Hapro và cũng là cơ hội để các cán bộ công nhân viên gặp gỡ nhóm cổ đông chiến lược nắm 65% vốn, công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) hay chính xác hơn là Tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, người sẽ chịu trách nhiệm số phận của Hapro từ nay về sau.
‘Viên ngọc thô’ Hapro…
Trước IPO, dù là đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc thời trang, hàng hóa tiêu dùng.. Hapro lại được nhà đầu tư chú ý như một doanh nghiệp sở hữu quỹ đất thuê lớn của Nhà nước với nhiều vị trị đẹp.
Công ty con của Hapro, CTCP Thủy Tạ (TTJ) đang quản lý 8 bất động sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lê Thái Tổ… Một công ty con khác là CTCP Thương mại và Dịch Vụ Tràng Thi cũng quản lý và sử dụng 42 khu đất, tổng diện tích đất 24.561 m2 trên địa bàn TP Hà Nội. CTCP Thực phẩm Hà Nội, đơn vị do Hapro nắm 51,6% vốn, cũng quản lý 38 khu đất từ chuỗi các trung tâm thương mại, siêu thị (11 điểm), chuỗi cửa hàng tiện ích, khách sạn nhà hàng tại những địa điểm trên phố cổ…
Bức tranh về Hapro nếu nhìn từ khía cạnh bất động sản, rất thu hút và đầy tiềm năng. Nhưng đó không phải là nghề cốt lõi của công ty, thực tế Hapro vẫn đang loay hoay với các hoạt động kinh doanh nhà hàng, bán buôn thực phẩm và cả các dự án bất động sản.
Năm 2017, doanh thu của Hapro đạt 3.984 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng chỉ đạt gần 24,8 tỷ đồng, giảm 6% và 22% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận chỉ 0,62%.
Một báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, những năm gần đây kết quả kinh doanh của công ty đi xuống do vấp phải sự cạnh tranh trong ngành bán lẻ và tình hình xuất khẩu không thuận lợi. Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do một số mặt hàng chủ lực giảm giá trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, đặc thù mảng xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đã qua sơ chế đóng gói có biên lợi nhuận rất thấp.
Mảng kinh doanh kem và nhà hàng Thủy Tạ cũng gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt, trong khi mảng bán lẻ có hiệu suất chưa cao, theo VDSC.
Dù sở hữu lượng quỹ đất lớn, Hapro chưa thể tận dụng lợi thế không có nguồn lực dồi dào cộng thêm các yếu tố khách quan như thị trường, lãi suất… khiến cho các dự án triển khai chậm.
Nếu xét trên tất cả góc nhìn, không khó hiểu khi chỉ duy nhất Vinamco trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG (tập đoàn sở hữu công ty Vinamco) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên của công ty, trước khi tiến hành IPO, Hapro đã thực hiện truyền thông rất nhiều lên báo chí, kênh truyền hình. Tuy nhiên, doanh nghiệp nộp hồ sơ trở thành cổ đông chiến lược cũng chỉ có Vinamco. Và việc Vinamco tham gia, cũng do Hapro chủ động tìm đến, ngỏ ý muốn BRG hợp tác.
“Các anh ấy (lãnh đạo của Hapro) mời tôi, chứ không phải tôi hăng hái lắm đâu, bởi vì với mấy nghìn tỷ mà chỉ lãi mười mấy tỷ, nếu nói về đầu tư, gửi tiết kiệm còn lãi hơn rất nhiều”, Bà Nga chia sẻ.
Thành phố Hà Nội đã bất ngờ thu lại 63 điểm bán hàng, trong đó có nhiều khu đất hẹp tại Hàng Khay, Hàng Bồ.., và miếng đất 23ha tại Đông Anh được cấp giấy phép đầu tư cũng bị thu hồi. “Tôi đọc thấy rất choáng với bản thu hồi”, bà Nga nói.
Mặt khác, trong đợt mua 65% vốn, cổ đông chiến lược phải mua cổ phần với giá bình quân phiên IPO, 12.908 đồng/cp tương đương giá trị khoảng 1.845 tỷ đồng, cao hơn so với mức khởi điểm 12.800 đồng/cp. Trong khi đó, thị giá của Hapro trên UPCoM rơi xuống 8.800 đồng/cp (phiên 26/5) do ảnh hưởng thị trường.
Bà Nga bày tỏ khâm phục với ban lãnh đạo khi đưa ra mức giá khởi điểm IPO cổ phiếu Hapro là 12.800 đồng/cp, “nghe như rất hời nhưng thực ra rất cao”. Mặt khác, thay vì cổ đông chiến lược được mua cổ phần với giá trúng thấp nhất (12.800 đồng/cp) theo nghị định 59, Vinamco phải mua với giá 12.908 tỷ đồng, chênh khoảng hơn 14 tỷ đồng.
… Chờ cổ đông chiến lược ‘mài dũa’
Sau khi về tay Vinamco, ‘dưới trướng’ của Tập đoàn BRG, nhà đầu tư và bản thân cán bộ công nhân viên Hapro chờ đợi sự thay đổi của doanh nghiệp.
BRG là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, sản xuất dịch vụ và kinh doanh bất động sản khách sạn, sân golf với 20.000 lao động. BRG sở hữu nhiều bất động sản và dự án khách sạn lớn, nằm tại nhiều vị trí đẹp tại Hà Nội, như khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Thắng Lợi; một số sân golf 18 lỗ, 36 lỗ tại Sơn Tây, Đồ Sơn.
Với kinh nghiệm hoạt động bất động sản dịch vụ, theo CTCK Rồng Việt, BRG sẽ giúp Hapro tận dụng được quỹ đất 'vàng', phát triển dự án.
Đứng trên vai trò của cổ đông chiến lược, bà Nga từng có lời hứa trước toàn thể cổ đông sẽ cơ cấu lại mảng bất động sản của Hapro. Bà Nga cũng bày tỏ ý định muốn xin lại khu đất 23ha tại Đông Anh, nhằm gia tăng nguồn lực của công ty.
“Nếu chỉ bán hạt tiêu, điều, gạo, chân giò hun khói… chúng ta không thể tiến được, không thể tăng lợi nhuận được”, bà Nga chia sẻ tại đại hội cổ đông.
Về định hướng 5 năm tới, bà Nga cho biết, Hapro sẽ tiếp tục phát triển dựa trên hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất và xuất khẩu. Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tự sản xuất các mặt hàng điều, gạo... Cổ đông chiến lược sẽ hỗ trợ, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hapro sẽ tận dụng được mạng lưới điểm bán và chi nhánh rộng khắp cả nước của BRG, phân phối và phát triển hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Song song đó, công ty sẽ phát triển bất động sản, bên cạnh hoạt động kinh doanh chính.
Bà Nga cam kết rằng, với sự tham gia của cổ đông chiến lược, nhà đầu tư sẽ thấy được sự thay đổi "thật sự khác biệt" của Hapro chỉ sau 1 năm.
Năm 2018, toàn tổng công ty dự kiến doanh thu ở mức 6.400 tỷ đồng, tăng 15% và lãi trước thuế tăng 45% đạt 70,5 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 117 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 6 triệu USD.
Trong 2 năm tới, tổng công ty mục tiêu doanh thu sẽ tăng trưởng 15-25%, cán mốc 9.200 tỷ đồng trong năm 2020. Lợi nhuận trước thuế tăng 33-43% và chạm mức 135 tỷ đồng.
Dưới 'bàn tay' của BRG, Hapro có thể trở thành một viên ngọc quý, lộ rõ giá trị hay không, sẽ cần thời gian để chứng minh.
LÊ HẢI
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.