Từ cuộc chiến gà vào những năm 1960 đến cuộc tranh cãi về chuối vào những năm 1990, nước Mỹ từng tham gia nhiều cuộc chiến thuế quan trước thời Tổng thống Donald Trump.
Chia rẽ vì chuối năm 1993
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250206/images/chuoi2525.jpg)
Người lao động ở Honduras thu hoạch chuối. Ảnh: Getty Images
Vào năm 1993, ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, khối này đã áp thuế quan đối với chuối từ các quốc gia Mỹ Latinh để tạo lợi thế cho những nông dân nhỏ ở các thuộc địa cũ của mình tại vùng Caribe và châu Phi.
Mỹ cho rằng điều này vi phạm các quy tắc thương mại tự do. Mối quan tâm của Mỹ là hầu hết các đồn điền chuối ở Mỹ Latinh đều thuộc sở hữu của các công ty Mỹ và lợi nhuận của họ đang bị đe dọa.
Mỹ đã nộp 8 đơn khiếu nại riêng lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một tổ chức quốc tế giám sát thương mại giữa các quốc gia. Trong vụ án đầu tiên năm 1997, WTO đã phán quyết có lợi cho Mỹ. WTO sau đó liên tục phán quyết chống EU.
Mặc dù EU cho biết họ sẽ giảm thuế quan, nhưng Mỹ cho rằng thương mại công bằng vẫn chưa được khôi phục. Để trả đũa, Mỹ đã áp đặt thuế quan 100% đối với các sản phẩm châu Âu như len cashmere Scotland hay phô mai Pháp.
Cuộc đàm phán kết thúc bằng Thỏa thuận Chuối Geneva vào tháng 12/2009, được ký kết giữa Mỹ, EU và 10 quốc gia Mỹ Latinh. Thỏa thuận yêu cầu giảm thuế quan đối với chuối của các quốc gia Mỹ Latinh từ 148 euro mỗi tấn xuống còn 114 euro mỗi tấn vào năm 2017.
Vào năm 2012, EU đã ký thỏa thuận với các quốc gia Mỹ Latinh để chính thức kết thúc các vụ kiện tại WTO. Các quốc gia Mỹ Latinh bao gồm Brazil, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama và Venezuela.
Cuộc chiến thép với châu Âu năm 2002
Để thúc đẩy ngành công nghiệp thép Mỹ, Tổng thống George W. Bush đã áp đặt thuế quan dao động từ 8 đến 30% đối với thép từ các quốc gia nước ngoài. Mexico và Canada được miễn thuế này, nhưng châu Âu bị ảnh hưởng.
Theo phân tích của Viện nghiên cứu Pháp Centre d’Etudes Prospectives et d’Informations Internationales (CEPII), nhập khẩu thép từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuế của ông Bush giảm mạnh khoảng 28% vào năm 2002 và giảm thêm 37% vào năm 2003. Tuy nhiên, Mỹ đã bắt đầu nhập khẩu nhiều thép hơn từ các quốc gia không bị áp thuế quan. Tổng thể, nhập khẩu thép của Mỹ tăng 3% trong 12 tháng sau khi thuế quan được áp dụng.
Các thuế quan này đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thép của Mỹ. Một số công ty thép nhỏ đã phá sản hoặc bị các công ty lớn hơn mua lại.
Để trả đũa, châu Âu đã cảnh báo áp thuế đối với một loạt các sản phẩm Mỹ trị giá 2,2 tỷ USD (khoảng 3,85 tỷ USD hiện nay), từ cam Florida đến xe máy Harley Davidson. Những ngày trước khi châu Âu áp đặt các thuế này, Tổng thống Bush đã dỡ bỏ thuế thép vào năm 2003.
Cuộc chiến thuế quan đầu tiên của ông Trump năm 2018
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250206/images/mytrug2525.jpg)
Container hàng hóa tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN phát
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông diễn ra từ năm 2016 đến 2020.
Vào tháng 1/2018, ông đã áp thuế quan đối với tất cả các tấm pin mặt trời và máy giặt. Mặc dù các mức thuế quan này không phân biệt quốc gia xuất xứ của các sản phẩm, nhưng Trung Quốc là nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới. Vào tháng 6/2018, ông Trump đã áp thuế quan 25% đối với hơn 800 sản phẩm từ Trung Quốc.
Trong khi đó, vào tháng 4/2018, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế quan 178,6% đối với ngô Mỹ. Các thuế quan này đã bị dỡ bỏ vào tháng 5/2018. Trung Quốc cũng áp thuế 25% đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bao gồm đậu nành và máy bay.
Cùng năm đó, ông Trump cũng đã áp thuế 25% đối với thép và thuế 10% đối với nhôm từ Canada, Mexico và các quốc gia EU.
Giống như Trung Quốc, các quốc gia bị nhắm mục tiêu khác cũng phản ứng lại.
Canada đã áp thuế 25% và 10% đối với một loạt các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Từ mùa hè năm 2019 đến 2020, Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng nhiều loại thuế qua lại, trong khi cố gắng thương thảo kết thúc tranh cãi. Trung Quốc đã mất vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ vào tay Mexico vào năm 2019. Sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, một “lệnh ngừng bắn” đã được công bố vào tháng 1/2020.
Tuy nhiên, Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người kế thừa cuộc chiến thương mại khi ông thắng cử vào năm 2020, đã gia hạn thuế quan đối với tấm pin mặt trời. Vào tháng 2/2023, các thuế quan đối với máy giặt cuối cùng đã hết hạn.
Điều làm cho các mức thuế quan gần đây trở nên khác biệt là phạm vi của các sản phẩm bị đánh thuế. Cuộc chiến thương mại đầu tiên chủ yếu bao gồm các thuế quan có mục tiêu, nhưng lần này thuế quan áp dụng rộng rãi hơn, khiến hầu như không thể tránh khỏi. Một khác biệt lớn khác là Tổng thống Trump đang cảnh báo áp thuế đối với các nền kinh tế có mối quan hệ tích chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ, bao gồm Canada và Mexico.
Cuộc chiến thuế quan thứ hai của ông Trump năm 2025
Ngày 1/2, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp bằng cách viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và áp thuế quan đối với ba quốc gia gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Sau một ngày đầy căng thẳng với các cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã đồng ý tạm dừng áp thuế quan 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, vốn sẽ có hiệu lực vào ngày 4/2.
Tuy nhiên, giai đoạn tạm dừng này chỉ kéo dài trong một tháng. Thuế quan 10% mà ông Trump đã công bố đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cộng thêm các thuế quan hiện có, đã có hiệu lực vào sáng 4/2.
Mối đe dọa về một cuộc chiến thuế quan toàn diện vẫn đang rình rập: trước khi ông Trump tạm dừng áp thuế một tháng, Mexico và Canada cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ áp đặt thuế trả đũa đối với Mỹ nếu Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch thuế quan.
Trung Quốc đã công bố các thuế trả đũa tương tự.
Những lời cảnh báo của ông Trump cũng đã làm hoang mang các thị trường toàn cầu và bị chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới. Ông cũng cảnh báo sẽ áp thuế đối với EU và Ấn Độ.
Tổng thống Trump giải thích hành động của mình là do Mexico, Canada và Trung Quốc không hành động đủ để ngăn chặn ma túy, đặc biệt là fentanyl, vào Mỹ. Ông cũng khẳng định rằng Canada và Mexico đang làm nước Mỹ tràn ngập những người nhập cư trái phép bằng cách cho phép họ tiếp cận biên giới Mỹ. Cuối cùng, ông đã đề cập đến thâm hụt thương mại mà Mỹ có với mỗi quốc gia này - ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Ông Ryan Sweet, chuyên gia kinh tế của công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nói với Al Jazeera: “Cuộc chiến thuế quan sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ, mặc dù sẽ tránh được một cuộc suy thoái hoàn toàn. Chúng tôi ước tính rằng các thuế trả đũa đã được công bố cho đến nay sẽ làm giảm 0,7 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Mỹ vào năm 2025. Sụt giảm trong tổng cầu dẫn đến việc thị trường lao động sẽ có nhiều dư thừa hơn, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,5% trong năm nay, từ mức 4,1%”.
Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)
Link gốc