Sau khi công bố một gói biện pháp kinh tế rộng rãi để đáp trả Mỹ, Trung Quốc đã chính thức khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa của nước này.
Nhà Trắng đã công bố mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1/2 như một phần của các biện pháp thương mại rộng hơn cũng nhắm vào Mexico và Canada. Đây là một phần trong những gì chính quyền ông Trump cho biết là nỗ lực nhằm buộc các quốc gia này phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhập cư bất hợp pháp và dòng chảy fentanyl cùng các loại ma túy khác vào Mỹ.
Tuy nhiên sau đó ông Trump đã đồng ý "tạm dừng ngay lập tức" thuế quan đối với Mexico và Canada sau khi có cuộc gọi riêng với các nhà lãnh đạo của các nước này vào ngày 3/2, 1 ngày trước khi thuế đối với hàng hóa từ cả 3 nước có hiệu lực. Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường an ninh dọc theo biên giới của họ.
Trung Quốc đã chính thức khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong tuyên bố ngày 4/2, Bộ thương mại Trung Quốc xác nhận rằng họ đã đưa các biện pháp thuế quan của chính quyền ông Trump lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Bộ này cho biết: "Thực tiễn của Mỹ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, làm suy yếu nền tảng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời phá vỡ sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu".
Theo WTO, "yêu cầu tham vấn chính thức khởi xướng một tranh chấp trong WTO".
"Các cuộc tham vấn sẽ tạo cơ hội cho các bên thảo luận vấn đề và tìm ra giải pháp thỏa đáng mà không cần phải tiến hành kiện tụng", cơ quan này cho biết.
Nếu tranh chấp không được giải quyết sau 60 ngày, "người khiếu nại có thể yêu cầu hội đồng xét xử".
Sau đó, các chuyên gia sẽ đánh giá xem mức thuế quan này có tuân thủ các quy định của WTO hay không, thông qua một thủ tục kéo dài vài tháng.
Nếu trọng tài ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc, theo quy định của WTO, Bắc Kinh có thể tự áp thuế ở mức độ mà nước này phải chịu thiệt hại do thuế quan của Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2019, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đã bị tê liệt sau sự sụp đổ của Cơ quan Phúc thẩm, cơ quan có tiếng nói cuối cùng trong các tranh chấp.
Chính quyền đầu tiên của ông Trump và cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm vì họ cho rằng tư pháp đã lạm quyền trong các tranh chấp. Cơ quan này không thể hoạt động nếu có ít hơn ba thẩm phán.
Loạt đòn đáp trả của Trung Quốc
Ngoài việc kiện Mỹ lên WTO, Bắc Kinh đã công bố một gói biện pháp kinh tế rộng rãi để đáp trả Mỹ vào ngày 4/2.
Các mức thuế mới, do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố, đánh thuế 15% đối với một số loại than và khí thiên nhiên hóa lỏng và thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, xe ô tô phân khối lớn và xe bán tải từ Mỹ. Các biện pháp này có hiệu lực vào ngày 10/2.
Bộ Thương mại và cơ quan hải quan Trung Quốc cũng công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực ngay lập tức đối với hơn 20 sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan.
Trong đó bao gồm vonfram, một loại khoáng chất quan trọng thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và quốc phòng, cũng như tellurium, có thể được sử dụng để chế tạo pin mặt trời.
Bộ này cũng cho biết họ đã thêm 2 công ty Mỹ, gồm công ty công nghệ sinh học Illumina và nhà bán lẻ thời trang PVH Group (chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger) vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, với lý do họ "vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường".
Người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết họ phát hiện PVH phân biệt đối xử và can thiệp vào hoạt động của các công ty Trung Quốc, mặc dù người phát ngôn này không cung cấp thông tin chi tiết.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ áp thuế 15% đối với than và LNG của Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số lượng nhỏ xe tải cũng như xe ô tô động cơ lớn được vận chuyển đến Trung Quốc từ Mỹ. (Ảnh: Ji Haixin/VCG/Getty Images)
Trong một tuyên bố riêng, Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành điều tra Google vì nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền. Công ty này, có công cụ tìm kiếm không khả dụng tại Trung Quốc, có hoạt động tối thiểu tại quốc gia này.
Các biện pháp của Trung Quốc dường như khác nhau về tác động tiềm tàng của chúng đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc là nhà sản xuất tinh quặng vonfram hàng đầu thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng thế giới, theo ước tính của chính phủ Mỹ từ năm 2020. Tuy nhiên, các mặt hàng chịu thuế chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thương mại song phương.
Bà Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại công ty phân tích tài chính Capital Economics, cho biết thuế quan của Trung Quốc chỉ nhắm vào 20 tỷ USD giá trị nhập khẩu hàng năm của nước này từ Mỹ, chiếm khoảng 12% tổng số, "khác xa" so với hơn 450 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ nhắm tới.
Có chỗ cho một thỏa thuận?
Mức thuế 10% còn kém xa mức thuế lên tới 60% mà ông Trump đã đe dọa áp lên Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của mình, báo hiệu rằng có thể sẽ còn nhiều mức thuế hơn nữa nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề rộng hơn.
Ông Trump vận động tranh cử với mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, và ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã ra lệnh xem xét lại mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, dự kiến vào ngày 1/4.
Kết quả có thể tạo cơ sở cho việc áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Những biện pháp này có thể giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại sâu sắc giữa hai nước, trong khi Tổng thống Trump đã liên kết cụ thể mức thuế 10% với hoạt động buôn bán fentanyl.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông hy vọng các nước có thể đạt được thỏa thuận thương mại và hợp tác giải quyết các vấn đề, bao gồm chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Ông cũng tạm dừng thực thi luật yêu cầu cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok nếu công ty mẹ Trung Quốc của ứng dụng này không thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Những vấn đề này dự kiến sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán giữa hai nước trong những tuần và tháng tới.
Bắc Kinh cũng đã ra tín hiệu về ý định tránh một cuộc chiến thương mại leo thang như cuộc chiến đã thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Vào thời điểm đó, Nhà Trắng đã áp thuế đối với hàng trăm tỷ hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng đã trả đũa.
Kể từ đó, Trung Quốc đã đa dạng hóa nền kinh tế và các đối tác thương mại, nhưng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm lại và những thách thức khác.
Theo Reuters, CNN
Hải Đăng-Link gốc