• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.243,98 -2,11/-0,17%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.243,98   -2,11/-0,17%  |   HNX-INDEX   220,82   -0,86/-0,39%  |   UPCOM-INDEX   92,83   -0,01/-0,01%  |   VN30   1.311,01   -3,80/-0,29%  |   HNX30   459,18   -2,62/-0,57%
22 Tháng Giêng 2025 2:48:10 CH - Mở cửa
Yeah1 có gì để nhà đầu tư ngoại sẵn sàng trả giá 300.000 đồng một cổ phiếu?
Nguồn tin: Người đồng hành | 07/06/2018 8:58:21 SA
Nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá 300.000 đồng/cp Yeah1
 
CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) mới công bố thông tin sẽ phát hành 7,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế và trong nước, kỳ vọng huy động khoảng 100 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc Yeah 1 sẽ bán một cổ phiếu với giá khoảng 300.000 đồng. Đây là mức giá mà số lượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chỉ vào thời điểm thị trường bùng nổ trong quý I, còn hiện nay mức giá cao nhất thuộc về cổ phiếu SAB ở vùng giá 240.000 đồng/cp.
 
Yeah1 cũng cho biết thêm đã có các nhà đầu tư chủ chốt từ Anh, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Thụy Sỹ (như Capital Asset Management, Central Group Vietnam, Probus Group, TT International, Vietnam Holding…) đăng ký mua hơn 70% số cổ phiếu này.
 
Có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả mức giá cao 300.000 đồng cho một cổ phiếu Yeah 1. Mức giá này không chênh bao nhiêu so với mức giá 320.000 đồng mà tỷ phú người Thái sẵn sàng chi trả cho một cổ phiếu để sở hữu 53,59% vốn của công ty bia có thị phần hàng đầu Việt Nam – CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong khi đó, 7,8 triệu cp mới chiếm 24% vốn Yeah 1.
 
Trước đó, Công ty TNHH MTV tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) muốn thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 140.900 đồng/cp khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và khó chấp nhận. Minh chứng là phiên IPO của VTVcab đã bị hủy bỏ khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia.
 
VTVcab tuy hoạt động kinh doanh không thực sự hiệu quả nhưng là “ông lớn” Nhà nước trên thị trường truyền hình trả tiền với 218 kênh gồm 80 kênh chuẩn HD, thị trường hoạt động rộng khắp tại Việt Nam và phủ sóng trên 50 tỉnh thành, định hướng tương lai là đẩy mạnh mảng truyền hình trả tiền. Còn Yeah1 là đơn vị tư nhân thành lập được 12 năm, có 4 kênh truyền hình chuyên về giải trí gồm Yeah1tv, Yeah1family, Imovietv và Uni; bên cạnh đó, đơn vị cũng phát triển mảng online trên nền tảng Facebook, Youtube, Google (50% doanh thu đến từ nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ).
 
Chủ tịch HĐQT Yeah1 – ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từng chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 rằng trên thế giới, các đơn vị truyền thông được đánh giá rất cao như ở thị trường Thái Lan, P/E của công ty truyền thông lên đến 50 lần.
 
Yeah1 cho biết các nhà đầu tư ngoại thể hiện sự kỳ vọng vào Yeah1, họ bị thuyết phục bởi mô hình kinh doanh hiệu quả và sáng tạo cùng đội ngũ ban điều hành dày dạn kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Nhưng điều quan trọng nhất là các nhà đầu tư này rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành truyền thông, quảng cáo trên thế giới.
 
Khoản phải thu tăng mạnh và chiếm gần 50% tổng tài sản
 
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, tính đến cuối năm, Yeah1 có tổng tài đạt 657 tỷ đồng, gần gấp đôi năm trước, trong đó 435,5 tỷ là tài sản ngắn hạn.
 
Chiếm tỷ trọng lớn lên đến gần 50% tổng tài sản công ty là khoản phải thu 318,6 tỷ đồng, bao gồm 248,9 tỷ phải thu ngắn hạn và gần 70 tỷ phải thu dài hạn; tăng 63% so với năm trước. Riêng khoản phải thu khách hàng ngắn hạn ở mức 154,7 tỷ đồng và 2 khách hàng lớn nhất của Yeah1 là Công ty Google Asia Pacific Pte. Ltd (81,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Truyền thông WPP (22 tỷ đồng).
 
Tại đại hội thường niên 2018, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từng lý giải do đặc thù truyền thông khi cung cấp dịch vụ quảng cáo, khách hàng cần thời gian khá dài 3 đến 6 tháng để kiểm chứng hiệu quả khiến khoản phải thu của công ty lớn. Ông cũng khẳng định khách hàng chủ yếu của công ty đều có uy tín và tin tưởng khả năng thu hồi.
 
Ngoài ra, hàng tồn kho và lợi thế thương mại là hai khoản mục lớn tiếp theo trong cơ cấu tài sản của Yeah1. Đáng chú ý, khoản lợi thế thương mại 109 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản mới xuất hiện năm 2017 trong khi năm trước không có. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản lợi thế thương mại này đến thờ hoạt động hợp nhất kinh doanh năm qua của công ty gồm 31,3 tỷ từ Công ty TNHH Quảng cáo Truyền thông TNT, 4,5 tỷ từ Công ty Yeah1 Network Pte. Ltd và 80,5 tỷ đến từ CTCP Truyền thông Trực tuyến Netlink. Các khoản lợi thế thương mại này được phân bổ trong vòng 10 năm.
 
 
Cơ cấu vốn của tập đoàn 50% nợ và 50% vốn chủ với lần lượt 324 tỷ và 332,8 tỷ đồng. Nợ vay của công ty chỉ hơn 107 tỷ đồng gồm 67 tỷ vay ngắn hạn và 30 tỷ vay dài hạn.
 
Trong năm 2017, công ty thực hiện tăng vốn khá mạnh từ 100 tỷ lên 238 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức 1,8 triệu đơn vị, chào bán cho cổ đông hiện hữu 11,37 triệu đơn vị và chào bán cho nhân viên 6 triệu đơn vị. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống góp 41,4% vốn, DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd góp 35,71%.
 
 
Lãi 2017 tăng mạnh nhờ M&A, kế hoạch 2018 đạt gấp đôi
 
Năm vừa qua, cùng với việc tăng vốn công ty đã thực hiện nhiều vụ M&A, qua đó mà số lượng công ty con đã tăng đáng kể từ 6 lên 13. Tại thời điểm 31/12/2017, Yeah1 đang hoạt động theo mô hình gồm 13 công ty con (4 công ty gián tiếp) và 1 công ty liên kết.
 
Nhờ hoạt động mua bán và sáp nhập mà tổng doanh thu năm qua của công ty tăng 48% so với năm trước đạt 851 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo kỹ thuật số tăng trưởng đột biến gần 49%, doanh thu bán chương trình gấp 7 lần và doanh thu bán bản quyền gấp 10 lần.
 
 
Về chi phí, trong giá vốn hàng bán, chi phí sản xuất chương trình, chi phí cho thuê kênh và chi phí tiếp sóng chiếm chủ yếu với lần lượt 439 tỷ, 88,7 tỷ và 25,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74%, 15% và 4,2%.
 
 
Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 96,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 82,3 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với 2016. Chỉ tiêu ROE của Yeah1 lên tới 37,2% và ROA đạt 16,3% (ước tính theo vốn chủ sở hữu và tổng tài sản trung bình cộng đầu và cuối năm 2017), lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) 5.419 đồng.
 
Trong chiến lược phát triển tương lai, Yeah1 tập trung xây dựng hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện, mở rộng bằng việc M&A, phát triển sâu và rộng về phần nội dung, cũng như kết hợp khai thác thương mại – truyền thông. Yeah1 cho biết hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện, bao phủ từ kênh truyền thống như truyền hình, sản xuất phim điện ảnh cho đến thống trị các kênh kỹ thuật số hiện đại (Digital) trên các phương tiện điện thoại thông minh, các trang mạng, các ứng dụng,…
 
Năm 2018, Yeah1 đề ra chỉ tiêu khá tham vọng với doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng cho năm 2018, tăng trưởng 90%; lãi ròng 172 tỷ đồng, tăng trưởng 109% so với năm 2017. Về cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, 25% sẽ đến từ mảng media truyền thống, 25% từ kênh Youtube, còn lại 50% là sự đóng góp của Non-Youtube, tức Netlink - mảng Kỹ thuật số.
 
Trong tương lai, 70% doanh thu của Yeah1 đến từ thị trường nước ngoài, riêng năm 2017 sản phẩm của Yeah1 đã có mặt tại 150 nước trên thế giới và mang về trên 50% doanh thu với Mỹ chiếm khoảng 35%.
 
TƯỜNG NHƯ

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.