• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.259,63 +17,10/+1,38%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.259,63   +17,10/+1,38%  |   HNX-INDEX   222,67   +2,00/+0,90%  |   UPCOM-INDEX   93,88   +0,80/+0,86%  |   VN30   1.332,54   +22,82/+1,74%  |   HNX30   464,29   +5,28/+1,15%
24 Tháng Giêng 2025 3:47:45 SA - Mở cửa
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Không có lý do để bi quan với CPTPP
Nguồn tin: Người đồng hành | 14/01/2019 1:11:16 CH
Ngày 14/1, CPTPP sẽ chính thức đi vào thực thi tại Việt Nam. Thuế quan hàng loạt mặt hàng sẽ được cắt giảm về 0%.
 
Hiệp định thương mại được kỳ vọng nhất thời gian qua chính thức đi vào thực tiễn với chờ mong và cũng không ít băn khoăn. Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán CPTPP - có cuộc trao đổi với NDH.vn vấn đề này.
 
 
- Ông từng nói TPP không phải "mỏ vàng" song cũng đừng quá bi quan. Vậy với CPTPP, ông thấy cơ hội hay thách thức nhiều hơn?
 
- Cơ hội và thách thức là 2 cụm từ được dùng để nói về khả năng xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện. Chúng có xảy ra trên thực tế hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, trong đó yếu tố chủ quan đóng vai trò quan trọng. Nói một cách đơn giản, cơ hội hay thách thức, cái nào nhiều hơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính chúng ta.
 
Xét về năng lực thì mỗi thời mỗi khác, mỗi ngành mỗi khác nên trước khi một FTA, bao gồm cả CPTPP, được đưa vào thực thi, rất khó để nói cơ hội sẽ nhiều hơn hay thách thức sẽ nhiều hơn. Tất cả chỉ là dự đoán chủ quan.
 
Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì dường như Việt Nam đang nắm bắt được nhiều cơ hội hơn. Đơn cử, khi lần đầu hội nhập với ASEAN vào năm 1995, xuất khẩu của ta mới hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO, xuất khẩu đã là 40 tỷ USD, tăng hơn 7 lần so với năm 1995. Đến 2018, xuất khẩu đã lên tới 245 tỷ USD, gấp 45 lần năm 1995 và hơn 6 lần năm 2006.
 
Từ một nước nhập siêu kinh niên, ta đã chuyển sang xuất siêu từ năm 2012 và tới năm 2018 đã đạt giá trị xuất siêu trên 7 tỷ USD.
 
Dẫu đâu đó vẫn còn ý kiến chưa hài lòng, ví dụ như giá trị gia tăng chưa được như mong đợi, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI hay một số mặt hàng còn quá phụ thuộc vào một vài thị trường... nhưng phải thừa nhận rằng năng lực xuất khẩu đã có sự phát triển vượt bậc sau hơn 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế, với các FTA là một phần quan trọng của "cuộc chơi".
 
CPTPP sẽ mang lại một số cơ hội bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, như mọi FTA khác, CPTPP không phải là mỏ vàng lộ thiên. Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được.
 
Thách thức cũng vậy. Với kinh nghiệm của hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu lại luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan với CPTPP, nhất là khi Canada, Mexico và Peru đều là những thị trường mà ta đang xuất siêu.
 
-GDP Việt Nam dự báo tăng khoảng 1,3%, xuất khẩu tăng 4% vào năm 2030 với CPTTP, trong khi con số tương ứng với TPP trước đây là 6,7% và 15%. Ông nhìn nhận thế nào về tươngquan giữa 2 hiệp định này?
 
- Xét về đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu và GDP thì CPTPP không thể bằng TPP bởi CPTPP không có Mỹ, một thị trường có quy mô nhập khẩu lên tới gần 2.500 tỷ USD/năm.
 
CPTPP chỉ chiếm 13-14% thương mại cũng như GDP toàn cầu so với 30-40% của TPP nên động lực để các chuỗi cung ứng dịch chuyển về CPTPP cũng nhỏ đi. Lượng FDI đổ vào CPTPP sẽ không thể lớn như trường hợp của TPP bởi thiếu đi 1 trung tâm tiêu thụ lớn là Mỹ. Năng lực sản xuất mới được tạo ra ít hơn thì đóng góp cho GDP cũng sẽ ít hơn.
 
 
- Vậy theo ông, ngoàidệt may, da giày, còn những ngành nào được lợi?
 
- Trong 10 nước đối tác của CPTPP thì ta đã có FTA với 7 nước. CPTPP chỉ tạo ra 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru. Đây không phải là những thị trường quá lớn nên khả năng đem lại đột phá cho xuất khẩu là tương đối nhỏ.
 
Từ trước tới nay, khi mở ra một thị trường mới, dệt may và da giày luôn là 2 ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của năng lực tự thân trong những năm qua, dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành được hưởng lợi từ mạng lưới FTA mà ta đã tạo ra, trong đó nổi bật là các ngành như chế biến gỗ, dụng cụ cơ khí, sản phẩm điện tử và điện gia dụng.
 
Cùng việc có quan hệ FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và sắp tới đây là EU, Việt Nam sẽ ở vào một vị trí rất đặc biệt. Các chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc dịch chuyển một phần của chuỗi sang Việt Nam và nếu điều đó xảy ra, ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt mặt hàng xuất khẩu mới.
 
Mọi sự sẽ không đơn giản bởi còn phụ thuộc vào khả năng thu hút cũng như hấp thụ FDI của ta nhưng với mạng lưới FTA mà ta đã tạo ra, cơ hội là có.
 
- Thiếu Mỹ tham gia CPTPP, dư luận từng đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp của hiệp định khi các nước thành viên thống nhất tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng. Góc nhìn của ông về cách hiểu này?
 
- Việc CPTPP "tạm hoãn" thực thi một số nghĩa vụ của TPP sẽ ảnh hưởng tới độ rộng cũng như độ sâu của cam kết nhưng chất lượng của CPTPP có vì thế mà giảm đi hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn.
 
Một số tập đoàn đa quốc gia, nhất là các doanh nghiệp dược phẩm, có thể chê là CPTPP không được "chất lượng" như TPP, ngụ ý rằng quyền lợi của họ không được đảm bảo như ở TPP. Tuy nhiên, nếu nhìn từ một giác độ khác, có thể thấy việc bớt đi một số nghĩa vụ khó sẽ giúp các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia bớt được gánh nặng thực thi, giúp mối quan hệ giữa cơ hội và thách thức trở nên cân bằng hơn.
 
Về tính chuyên nghiệp, nếu có Mỹ tham gia, chất lượng thực thi sẽ được quan tâm nhiều hơn. Thành thực mà nói, những thành viên lớn của CPTPP như Nhật Bản, Úc và Canada đều không phải là những nước quá "căng thẳng". Khi có ai đó chậm hoặc không thực thi nghiêm túc cam kết, họ sẽ thiên về giải quyết hữu nghị hơn là đưa nhau ra cơ chế giải quyết tranh chấp. Khi không phải đối diện với nguy cơ bị kiện và bị trừng phạt, chất lượng thực thi có thể sẽ kém đi, từ đó làm giảm chất lượng của Hiệp định và độ hấp dẫn đối với FDI.
 
 
- CPTPP có hiệu lực trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra khiến nhiều người cho rằng Việt Nam có thể trở thành bên trung gian “bị lợi dụng” nếu không cẩn thận. Ông nhìn nhận như thế nào?
 
- Khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại thì nguy cơ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp của nhau là có. Nguy cơ này xuất hiện không phụ thuộc vào việc ta có tham gia CPTPP hay không.
 
Nguy cơ này đã được nhận diện. Bộ Công Thương đã liên tục có cảnh báo về nguy cơ này. Một số biện pháp cũng đã được áp dụng để củng cố, kiện toàn công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
 
Việt Nam là đất nước mở cửa, luôn chào đón đầu tư nước ngoài nhưng nếu nhà đầu tư nào có ý định lợi dụng Việt Nam để gian lận xuất xứ thì tôi thành thực khuyên nhà đầu tư đó nên suy nghĩ lại bởi chúng ta sẽ xử lý rất nghiêm nếu phát hiện ra.
 
 
Xuất khẩu Việt Nam tương ứng với quá trình tham gia hội nhập kinh tế. Đồ họa: Liên Hương.
 
- Lộ trình thuế quan trong CPTPP được cho là một trong những điểm được trông chờ nhất. Chẳng hạn như nay sau khi CPTPP có hiệu lực thì 66% mặt hàng thuế sẽ được đưa về 0%, 86,5% về 0% sau 3 năm. Người Việt kỳ vọng được mua những mặt hàng như ôtô giá rẻ, ông thấy thế nào?
 
- Tôi xin nhắc lại là trong CPTPP ta chỉ có 3 đối tác mới là Canada, Mexico và Peru. Họ không xuất khẩu nhiều vào ta, lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong CPTPP cũng ở mức vừa phải nên mức độ giảm giá hàng hóa nhờ CPTPP sẽ rất khó nhận biết.
 
Nhật Bản, Úc, New Zealand, Chile .. đều đã có FTA với Việt Nam nên CPTPP sẽ không đem lại giá trị gia tăng lớn cho họ. Nói đơn giản, giá hàng hóa nhập khẩu từ những nước này cũng sẽ không giảm nhiều nhờ CPTPP.
 
Với riêng ôtô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ôtô cũng sẽ không giảm như mong đợi. Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa.
 
Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ôtô cũng sẽ có tác động lớn tới giá xe. Nói thế để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ôtô.
 
- Xin cảm ơn ông.
 
Đan Anh - Nam Anh (thực hiện)
- Designer: Liên Hương - Ảnh: Nam Khánh

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.