Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2018 đạt 2,37 triệu tấn, tăng 31,7% so với năm trước và ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay chủ yếu nhờ sự hoạt động hiệu quả, ổn định của các lò cao Khu liên hợp (KLH) gang thép Hòa Phát tại Hải Dương.
Từ sản lượng đạt 1,8 triệu tấn năm 2017, KLH hiện đã được nâng cấp nhiều hạng mục thiết bị mới nhằm tối ưu hóa và tăng thêm sản lượng sản xuất so với công suất thiết kế ban đầu. Đặc biệt, lò cao số 2 và các hạng mục dây chuyền liên quan thuộc giai đoạn 2 của KLH đã cùng được nâng cấp trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5/2018, trong đó toàn bộ nòng lò cao đã được đầu tư mới bằng thiết bị của Tập đoàn Danieli (Italia).
Theo ghi nhận từ nhà máy, sản lượng của lò cao số 2 hiện đã tăng khoảng 20% so với trước khi cải tạo. Cụ thể, sản lượng nước gang của lò cao này hiện đạt 2.100 tấn/ngày, trong khi trước đây chỉ đạt khoảng 1.600-1.800 tấn/ngày. Lượng tiêu hao than coke ít hơn, tiết kiệm chi phí khoảng 3% cho công đoạn sản xuất gang lò cao. Cả 3 lò thổi thuộc nhà máy luyện thép cũng được cải tạo nhằm hấp thụ hết lượng nước gang tăng thêm từ lò cao 2, nâng công suất từ 40 lên 45 tấn/mẻ thổi luyện.
Ngoài ra, KLH gang thép Hải Dương đã vận hành thành công và bắt đầu cung cấp sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 ra thị trường từ quý III/2018, đưa Hòa Phát trở thành doanh nghiệp sản xuất thép đầu tiên của Việt Nam tối ưu hóa công nghệ, biến chất thải rắn thành sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường, đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho chuỗi sản xuất thép của tập đoàn.
Đối với dự án Dung Quất tính đến cuối năm 2018 các hạng mục chính của giai đoạn I đã hoàn thành khoảng gần 70% khối lượng công việc như lò cao số 1, thiêu kết 1, lò coke 1, lò thổi 1, nhà máy nhiệt điện 1. Các hạng mục thuộc giai đoạn 2 công suất 2 triệu tấn thép dẹt/năm và cảng biển nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến cũng tích cực được triển khai. Một số bến cảng đã được đưa vào sử dụng trong việc tiếp nhận nguyên vật liệu thi công dự án và xuất thép thành. Đặc biệt, trong quý IV/2018, nhà máy cán thép xây dựng đầu tiên thuộc giai đoạn 1, công suất 600.000 tấn/năm đã chính thức được đưa vào sản xuất. Sản phẩm của nhà máy được cung cấp cho khu vực phía Nam và phục vụ thi công cho chính dự án. Theo dự kiến, đến giữa năm 2019, lò cao đầu tiên của KLH sẽ chính thức hoạt động. Toàn bộ các dây chuyền thiết bị dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2019, đầu 2020.
Với sản phẩm ống thép Hòa Phát, sản lượng cả năm ước 700.000 tấn/năm, tăng 15% so với năm 2017, trong đó có khoảng 17.000 tấn xuất khẩu. Thị phần ống thép Hòa Phát đạt 27,41%, dẫn đầu tại Việt Nam, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với mức tăng gần 70% so cùng kỳ.
Trong quý III, tập đoàn đã quyết định đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại tại nhà máy ở Hưng Yên, bao gồm 1 máy xả băng 1.800x12mm, 1 máy uốn ống kích cỡ lên đến 325mm (ống vuông lên đến 250mm), độ dày lên tới 12mm, máy thử áp lực, máy nạo đường hàn trong, máy vét đầu ống, máy đóng bó tự động… Dây chuyền dự kiến chính thức cho ra sản phẩm mới vào quý II/2019. Đây là sản phẩm chiến lược mới, khẳng định sự vượt trội của Hòa Phát trong ngành ống thép.
Thùy Yên
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.