Liên quan đến việc người dân phía Tây Nam Hà Nội phản ánh hiện tượng nguồn nước sinh hoạt bốc mùi, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco, UPCoM:
VCW) trong văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội cho biết vào khoảng 12h ngày 9/10, nhân viên bảo vệ phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân. Nhà máy đã đóng van cấp nước vào nước ở bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa. Do không có nước về bể chứa nên đơn vị phải giảm áp để duy trì cấp nước.
Về xử lý công nghệ, công ty tiến hành chắn bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý để tăng cường xử lý, cũng như châm tăng hóa chất xử lý trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l, tuy nhiên vẫn cao hơn so với hàm lượng châm trước đây là từ 0,3-0,5mg/l.
Cũng theo công ty, có thể phản ánh khách hàng về nước có mùi lạ là do mùi clo. Hiện tại Công ty vẫn đang vận hành bình thường và châm clo (một biện pháp giúp khử trùng, làm sạch các chất độc hại, vi khuẩn) với hàm lượng trước đây là 0,3-0,5mg/l.
Kết quả kiểm tra nước ngày 10/10 của Viwasupco cho thấy hàm lượng clo tăng cao để xử lý nước nguồn.
Độc quyền cấp nước phía Tây Nam Hà Nội, Viwasupco lãi vài trăm tỷ đồng
Viwasupco trước đây là công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Đến năm 2017, Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại Viwasupco cho 2 tổ chức là công ty Cơ điện lạnh (REE) và CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái (thuộc Vingroup). Trong năm 2018, Phát triển Sinh Thái lại bán toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Hiện nay, Viwasupco có 2 cổ đông chính là Năng lượng Gelex (hơn 60% cổ phần) và REE (36%).
Theo định hướng cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế sử dụng nước ngầm, triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt: nhà máy nước (NMN) mặt sông Đà, NMN mặt sông Đuống, NMN mặt sông Hồng.
Quy hoạch 3 nhà máy nước mặt lớn nhất Hà Nội đến năm 2030. Nguồn: Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội (Hawaco).
Viwasupco là đơn vị vận hành NMN mặt sông Đà máy có công suất thiết kế 300.000 m3/ngày và đang đầu tư giai đoạn II để nâng công suất lên 600.000 m3/ngày. Do giới hạn của việc phân vùng cấp nước, Viwasupco chỉ được cấp nước ở khu vực phía Tây Nam Hà Nội.
Năm ngoái, tổng sản lượng tiêu thụ nước sạch của công ty đạt 91 triệu m3 (tương đương 250.000 m3/ngày), tăng 13,3% so với năm 2017. Viwasupco là đơn vị sản xuất và phân phối nước nguồn (bán buôn) cho các đơn vị kinh doanh nước sạch khác. Hiện 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco (một công ty con của Vinaconex làm nhiệm vụ phân phối), Hawaco và nước sạch Hà Đông.
Nhờ tính độc quyền khu vực, Viwasupco có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định với doanh thu hàng năm trên 400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao khoảng 55%, tương đương một số công ty lớn khác như Biwase hay Nước Thủ Dầu Một. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng khá đều và đạt kỷ lục 219 tỷ đồng trong năm 2018.
Năm 2019, công ty đặt kế hoạch sản lượng tăng lên thành 104 triệu m3 nhờ cung cấp ổn định cho các khách hàng hiện hữu như Hawaco, Viwaco, nước sạch Hà Đông, khu đô thị Bắc An Khánh, Vicostone, Khu đô thị Thanh Hà… cũng như phát triển các khách hàng mới tại khu đô thị Green Bay, West Point, VinCity Sportia…
Nước sạch là một mặt hàng thiết yếu và không có sản phẩm thay thế. Đây là một ngành rất khó gia nhập bởi rào cản về việc cấp phép, cơ sở hạ tầng cũng như phụ thuộc rất lớn vào chính sách điều tiết từ cơ quan Nhà nước. Nhu cầu nước sạch đang tăng cao bởi quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh và bối cảnh vĩ mô thuận lợi, mở ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn với biên lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên, ngành nước sạch cũng đối mặt nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng kém, nhu cầu vốn đầu tư lớn, vấn đề ô nhiễm nguồn nước gia tăng do khâu giám sát còn kém, quy trình xử lý nước thải chưa đạt chuẩn...
Viwasupco cũng là một đơn vị có nhiều tai tiếng lên quan đến việc cấp nước. Ngoài phản ánh nguồn nước có mùi từ người dân như trên, công ty con của Gelex này cũng từng nhiều lần vỡ đường ống gây ảnh hưởng lớn.
Giai đoạn 2012-2016, Viwasupco lao đao khi đường ống nước sông Đà vỡ 21 lần, ảnh hưởng cuộc sống của 177.000 hộ dân khiến ban lãnh đạo của công ty này và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex bị truy tố.
Công ty nhận định đang sử dụng vật liệu là ống cốt sợi thủy tinh lại chạy dọc giữa giải phân cách của Đại lộ Thăng Long, qua nhiều khu vực có nền địa chất yếu, không ổn định với mật độ ô tô chở vật liệu xây dựng lưu thông ngày càng cao nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra rò rỉ và vỡ ống trong khi công ty chỉ có một đường ống độc đạo.
Công suất có hạn trong khi nhu cầu đăng ký sử dụng nước của khách hàng rất lớn, khả năng cung cấp của Viwasupco bị hạn chế do nhà máy đã khai thác hết công suất của tuyến ống truyền tải nước sạch. Công ty đang đầu từ giai đoạn II để nâng công suất lên gấp đôi và đã hoàn thành 95% tiến độ.
Theo báo cáo thường niên năm 2018, công ty lại có 4 lần bị sự cố vỡ ống truyền tải nước sạch.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.