Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán sửa đổi. Dự kiến ngày 27/11, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật.
Kỳ vọng tươi sáng
Theo ông Thanh, những vấn đề còn nhận được những ý kiến khác nhau như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên là cơ quan thuộc Chính phủ hay thuộc Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là một đầu mối duy nhất hay được tổ chức dưới mô hình công ty mẹ – con, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, sáng tạo có nên được chào bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán (TTCK) để gọi vốn hay không; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ nên được quy định điều kiện như thế nào…
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật DN sửa đổi.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng Luật Chứng khoán sửa đổi về cơ bản đã đáp ứng được đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi và minh bạch.
Ngoài ra, Luật đã tiếp cận được chuẩn mực thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của TTCK Việt Nam; đồng thời khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Chứng khoán năm 2006 và sửa đổi năm 2010.
Thực tế, quy mô của TTCK Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá nhanh. Trong một chia sẻ trước đó của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2006, TTCK chỉ có 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.000 tỷ đồng, chiếm 22,7% GDP; đến cuối năm 2018 đã có 1.553 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 3,961 triệu tỷ đồng, tương đương 71,6% GDP.
Đến cuối tháng 9/2019, quy mô của thị trường đã đạt khoảng 81% GDP, vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020 đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Tuy nhiên, so với quy mô của các thị trường trong khu vực thì vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, nếu Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến diễn biến của thị trường, đặc biệt dưới góc độ thu hút vốn ngoại.
Không phải “phép màu”
Một hành lang pháp lý mới giúp TTCK phát triển lành mạnh, bền vững, qua đó sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN cũng như nền kinh tế.
Trước đó, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đã có ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam có lớn nhưng chưa đủ mạnh, mới chỉ cung ứng được 14% vốn cho nền kinh tế.
Chỉ khi nào TTCK nâng được tỷ trọng cung ứng vốn lên 60-70% thì mới thật sự mạnh. Trong khi đó, tăng tỷ trọng cung ứng vốn của TTCK đang là bài toán lớn, mang tính tổng thể của nền kinh tế.
Như vậy, việc nhiều nội dung thay đổi trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi như tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm, gia tăng sức ép buộc các DN lên sàn, kiểm toán minh bạch thông tin… là hết sức cần thiết để tăng tính hấp dẫn của thị trường.
Tuy nhiên, từ thực tiễn của cuộc sống, Luật đưa ra quy định yêu cầu mỗi thành viên tham gia thị trường tuân thủ, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý điều tiết chung nhưng không thể quyết định hành vi của người tham gia.
TTCK luôn tồn tại những mặt trái, góc khuất mà Luật không thể kiểm soát hết. Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, điều quan trọng là mỗi thành viên tham gia thị trường phải không ngừng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hành vi đầu tư.
Cụ thể, đối với DN, mối quan hệ với nhà đầu tư cần được đẩy mạnh không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư quốc tế. Các báo cáo, tài liệu, văn bản pháp lý, thông tin bằng tiếng Anh cần được công bố đầy đủ và cùng thời điểm với phiên bản tiếng Việt.
Về phía nhà đầu tư, bên cạnh sự quản lý của các cơ quan chức năng, bản thân nhà đầu tư là người nội bộ cũng cần có ý thức không sử dụng các thông tin nội bộ trong hoạt động đầu tư, thao túng giá cổ phiếu…
Khi cơ chế, chính sách cởi mở cùng với ý thức của các đối tượng tham gia được nâng cao sẽ hình thành lớp tổ chức kinh doanh chứng khoán mới có thể tạo ra sức cạnh tranh cần phải có, TTCK sẽ trở thành “chợ tốt” của nguồn vốn.
Linh Đan
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.