POF nắm giữ 10 triệu cổ phiếu VCP
Quỹ đầu tư cơ hội
PVI (POF) tiếp tục mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power, UPCoM:
VCP). Sau giao dịch, quỹ thuộc PVIAM đã nắm giữ 10 triệu cổ phiếu, tương đương với 17,5% vốn.
Ngày 3/12 chứng kiến lệnh thỏa thuận đúng lượng cổ phiếu POF mua vào với giá trị hơn 227 tỷ đồng. Quỹ này đầu tư vào
VCP từ ngày 7/11 khi mua vào 4,2 triệu cổ phiếu và sau đó thỏa thuận mua thêm 2,3 triệu cổ phiếu khác vào ngày 2/12.
Thời gian qua Vinaconex Power chứng kiến nhiều biến động lớn về cơ cấu cổ đông và thị giá cũng tăng mạnh. Từ vùng giá 41.000 đồng/cp đầu tháng 11, cổ phiếu
VCP từng đạt đỉnh trên 65.000 đồng/cp trước khi điều chỉnh về 53.500 đồng/cp như hiện nay.
Mới đây, Vinaconex Power đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019. Cụ thể, chỉ tiêu tổng sản lượng giảm 18% so với ban đầu về 437,5 triệu kWh, tổng doanh thu dự kiến giảm 33% về 411 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 12% về 219 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ tức ở mức 30-35%.
Vinaconex Power hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, sản xuất và kinh doanh điện. Công ty đang vận hành các dự án thủy điện như Cửa Đạt, Bái Thượng và Xuân Minh.
MB Capital bán MIG, KWE Beteilgungen mua DHC
Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) chỉ bán được gần 1,8 triệu cổ phiếu Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (UPCoM:
MIG) trong tổng số 3 triệu cổ phiếu đăng ký bán. Sau giao dịch, quỹ này không còn là cổ đông lớn khi chỉ sở hữu gần 4,9% cổ phần.
Động thái bán cổ phần của MB Capital diễn ra sau khi công ty bảo hiểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Với mục tiêu lọt top 3 của thị trường bảo hiểm,
MIG cho biết cần phải hấp dẫn nhà đầu tư nhiều hơn, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài và việc niêm yết cũng giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu.
Cổ phiếu
MIG đang được giao dịch tại vùng giá 12.00 đồng/cp, đi ngang trong 3 tháng vừa qua. Thanh khoản cổ phiếu bình quân mỗi phiên ghi nhận hơn 30.000 đơn vị.
Quỹ KWE Beteilgungen AG đã mua thêm 420.000 cổ phiếu Đông Hải Bến Tre (HoSE:
DHC) để tăng nắm giữ lên 3,14 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,7% vốn vào ngày 4/12. Beteilgungen AG trở thành cổ đông lớn của
DHC từ ngày 11/9.
Đây là quỹ thành viên thuộc Corisol Holding AG (Thụy Sỹ) được thành lập năm 1974. Tại Việt Nam, nhóm này có đầu tư lớn vào Dược phẩm Imexpharm, Nhà Thủ Đức, Viconship, Cao su Đà Nẵng và Dabaco. Từ đầu tháng 9, quỹ này liên tục tái cơ cấu danh mục khi bán bớt cổ phần Nhà Thủ Đức, Cao su Đà Nẵng trong khi mua vào Đông Hải Bến Tre và Dược phẩm Imexpharm.
Lực mua của KWE Beteilgungen thời gian qua cũng giúp cổ phiếu
DHC tăng từ khoảng 30.000 đồng/cp đầu tháng 9 lên vùng giá 43.000 đồng/cp như hiện nay. Công ty vừa chốt quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%, quỹ ngoại dự kiến nhận hơn 4 tỷ đồng.
PYN Elite Fund quyết định mua thêm 200.000 cổ phiếu Fecon (HoSE:
FCN) hôm 10/12 và qua đó nắm giữ trên 16% vốn công ty xây dựng này.
Báo cáo cuối tháng 11 của PYN Elite cho thấy khoản đầu tư vào Fecon đã rớt khỏi danh mục 12 cổ phiếu hàng đầu của quỹ ngoại. Với thị giá 10.250 đồng/cp, PYN Elite nắm giữ số cổ phần Fecon có giá trị gần 197 tỷ đồng.
Nhóm Dragon Capital đã bán ra 25.000 cổ phiếu Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, HoSE:
CRE) vào 10/12. Sau giao dịch, nhóm này chỉ còn nắm giữ gần 7,2 triệu cổ phiếu, dưới 9% vốn công ty bất động sản.
Không chỉ quỹ ngoại, nhiều lãnh đạo cũng liên tiếp bán ra cổ phần Cenland như Tổng Giám đốc Nguyễn Thọ Tuyển, Phó TGĐ Cấn Công Việt, Trường Hùng Cường... Cổ phiếu hiện có giá 24.000 đồng/cp, giảm 8% so với đầu năm.
Quỹ ngoại America LLC đã mua thêm 1.100 cổ phiếu Khoáng sản Hải Dương (UPCoM:
KHD) vào ngày 2/12. Vừa qua, quỹ này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu
DC1 và
VLA.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.