VN-Index có thể tăng 10-15% năm tới
Công ty quản lý quỹ VinaCapital vừa có báo cáo về triển vọng nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2020 với những tín hiệu tích cực.
Nền kinh tế Việt Nam trải qua năm 2019 với sự tăng trưởng vừa phải (giai đoạn kinh tế không tăng quá nóng để gây lạm phát, cũng không quá nguội để gây suy thoái - được VinaCapital gọi là Goldilocks). Tăng trưởng GDP mạnh mẽ và lạm phát được kiểm soát tốt, nhu cầu tiêu dùng tăng cao và làn sóng dịch chuyển sản xuất giúp nền kinh tế hưởng lợi. Ngoài ra, VinaCapital cho rằng TTCK có khả năng kết thúc năm với chiều hướng tăng điểm.
Quỹ ngoại cho rằng câu chuyện tích cực của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020, dù rằng biến động kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể chắc chắn. VinaCapital tin rằng nền kinh tế và cả TTCK sẽ tiếp tục có vị thế tốt để vượt qua các thách thức trong năm tới.
“GDP Việt Nam khả năng cao tăng trưởng 6,7-6,9% trong năm tới và lạm phát được kiểm soát quanh 3% (dù CPI có thể trên 4% vào đầu năm do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi ASF). Hai động lực chính là lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng hộ gia đình sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm tới”, theo báo cáo của VinaCapital.
Nền kinh tế Goldilocks lý tưởng, cùng với bối cảnh toàn cầu thuận lợi cho giá cổ phiếu các thị trường mới nổi và cận biên (F&EM), kết hợp định giá cổ phiếu Việt Nam hợp lý (P/E dự phóng ở mức 14 lần và tăng trưởng EPS 14%) cho thấy khả năng VN-Index có thể tăng 10-15% trong năm tới. Quan điểm của VinaCapital cũng phù hợp với kỳ vọng tăng 10-15% trong năm tới.
Thị trường cận biên và mới nổi đầy hứa hẹn
Triển vọng cho các thị trường chứng khoán cận biên, mới nổi năm 2020 đầy hứa hẹn, được VinaCapital dẫn ra 4 nhân tố tác động chính. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ bắt đầu sử dụng các gói định lượng (QE) và in tiền, điều này cơ bản giải thích cho sự tăng giá cổ phiếu toàn cầu trong 5-6 năm qua (điển hình là lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ không tăng nhưng S&P500 tăng 50% trong 5-6 năm qua).
Thứ hai là đồng USD sẽ mất giá trong năm tới, đây là một tín hiệu tích cực cho giá cổ phiếu thị trường F&EM.
Tiếp đến, các thị trường F&EM có độ trễ đáng kể so với giá cổ phiếu thị trường phát triển trong vài năm gần đây, đặc biệt là so với thị trường chứng khoán Mỹ.
Cuối cùng, ngân hàng trung ương các thị trường F&EM (bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có những hành động cùng chiều với Fed và tích cực cắt giảm lãi suất chính sách trong năm 2019.
Các ngành đáng chú ý
VinaCapital đã nhận định VN-Index có thể tăng 10-15% trong năm tới. Tuy nhiên, quỹ tỷ đô cho rằng thị trường còn có thể phản ứng tích cực hơn nữa nếu Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được cho phép giao dịch, điều này giúp khối ngoại dễ dàng tiếp cận các cổ phiếu kín room của Việt Nam.
Sự phát triển của các sản phẩm như NVDR sẽ giúp thị trường Việt Nam tăng khả năng được nâng phân loại vào thị trường cận biên (EM) bởi MSCI. Dù vậy, VinaCapital không kỳ vọng điều này có thể xảy ra sớm trong năm 2020.
Quỹ tỷ đô nhận định lợi nhuận các ngân hàng niêm yết có khả năng tăng 23% vào năm 2020, được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 13-14%. VinaCapital cho rằng cho vay thế chấp có thể tăng trưởng khoảng 30% và chiếm khoảng 1/4 tổng các khoản cho vay của các ngân hàng vào năm sau. Các cổ phiếu ngân hàng ưa thích của quỹ là MBB, VCB và VPB.
Với ngành bán lẻ, tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 tiếp tục được dẫn dắt bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự dịch chuyển các cửa hàng bán lẻ nhỏ (mom and pop) sang các chuỗi quy mô lớn. Hai cổ phiếu bán lẻ ưa thích của quỹ là MWG và PNJ.
Mảng công nghệ hiện được dẫn dắt bởi tập đoàn FPT. Hơn một nửa doanh thu của FPT đến từ gia công phần mềm dự kiến sẽ tăng trưởng 25% trong năm tới, trong khi doanh thu dịch vụ viễn thông dự báo tăng trưởng 15% mỗi năm. Ngoài ra, FPT còn hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại thị trường nước ngoài, cuộc đua công nghệ fintech…
VinaCapital cũng chú ý đến nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam là Hòa Phát khi tập đoàn này dự kiến tăng gấp đôi sản lượng trong năm 2020.
Cuối cùng, quỹ ngoại trung lập về triển vọng năm tới của cổ phiếu bất động sản do sự chậm trễ trong phê duyệt các dự án mới tại TP HCM. Dù vậy, Nam Long và Khang Điền có thể hưởng lợi từ sự gia tăng tầng lớp trung lưu mua nhà để ở. Trong khi Vingroup hưởng lợi từ dòng vốn ETF do có tỷ trọng cao trong tất cả các quỹ ETF lớn và các chỉ số tại Việt Nam. Vinhomes cũng được hưởng lợi với vị thế là công ty tung ra rất nhiều dự án quy mô lớn.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.