Năm 2019 là thời gian quan trọng của chứng khoán Việt Nam khi đứng trước cơ hội nâng hạng của FTSE Russell. Mặt khác, quy mô thị trường cổ phiếu năm qua tăng gần 11%, đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tương đương 70,2% GDP. Giá trị giao dịch trung bình phiên cao hơn 29% so với 2017, đạt 6.500 tỷ đồng. Thị trường phái sinh cũng tăng 6 lần về thanh khoản và tăng 2,7 lần vị thế mở.
Những con số trên cùng với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi khiến chứng khoán Việt Nam trở thành “sân chơi” hấp dẫn cho các công ty chứng khoán (CTCK).
Để đón đầu làn sóng nâng hạng, nhiều CTCK ngoại đã liên tục “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Bằng việc mua lại các các đơn vị nhỏ, các "ông lớn" nước ngoài thành công gia nhập thị trường. Đơn cử như Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc (KBFG) mua lại 99,4% vốn CTCK Maritime và đổi tên thành KBSV. CTCK Đệ Nhất cũng được bán cho nhóm cổ đông Đài Loan (Trung Quốc) và đổi tên thành Yuanta Việt Nam…
Đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, có 9 CTCK sở hữu của nước ngoài trên 51%, trong đó 5 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đều có mặt tại Việt Nam như Shinhan, KIS, NH, KB, Mirae Asset…
Với CTCK nội, quá trình tái cấu trúc cũng diễn ra, nổi bật nhất là thương vụ sáp nhập CTCP Chứng khoán SHB (SHBS) vào CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (
SHS). Số lượng CTCK đã giảm từ 102 đơn vị xuống còn 77 đơn vị trong 6 năm qua.
Cuộc đua tăng vốn giữ “túi tiền” của nhà đầu tư
Bên cạnh sự xuất hiện của khối ngoại, thị trường còn chứng kiến những đợt tăng vốn lớn của CTCK trong năm 2018. Trong 20 CTCK vốn điều lệ lớn nhất thị trường, xuất hiện 5 CTCK có vốn ngoại.
Trong đó, Chứng khoán Mirae Asset (MASC) đã tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng (cuối năm 2017) lên 4.300 tỷ đồng, trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Chứng khoán KB Việt Nam (MSI) cũng tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên thành 1.680 tỷ đồng. Chứng khoán Yuanta cũng tăng vốn từ 300 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.
Trong “guồng quay” này, nhiều CTCK nội cũng phải bắt kịp. Chứng khoán VPBank (
VPBS) đã tăng vốn gấp 2,4 lần, lên 3.500 tỷ đồng năm qua. Một số đơn vị như Chứng khoán NH Việt Nam (
CBVS), Chứng khoán Artex (
ART) hay Chứng khoán Kiến thiết VN (PCSC) đều tăng vốn gấp hơn 2 lần.
Trong quý cuối 2018, Chứng khoán Tân Việt (
TVSI) cũng vừa nâng vốn lên 1.080 tỷ đồng và còn một số CTCK đang trong kế hoạch phát hành cổ phần như CTCK Everest muốn nâng vốn 1.000 tỷ đồng…
Việc tăng vốn giúp các CTCK cải thiện năng lực tài chính và có cơ hội tham gia các sản phẩm mới trên thị trường và phát triển công nghệ. Theo quy định, CTCK phải có vốn điều lệ trên 600 tỷ mới được làm hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh và 800 tỷ đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh. Mặt khác, việc tăng vốn cũng giúp các CTCK mở rộng cho vay ký quỹ, tăng doanh thu và lợi nhuận từ mảng này.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ tại họp báo cuối 2018, theo thông tin không chính thức, quá trình tái cấu trúc thông qua việc hợp nhất và sáp nhập sẽ càng sôi động hơn.
Sự tham gia của các CTCK ngoại sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường. Các đơn vị nước ngoài do những tập đoàn lớn đứng sau với sức mạnh về tài chính, công nghệ, quản trị… sẽ mang đến tính chuyên nghiệp, thiết lập hệ thống rủi ro tốt cho nhà đầu tư. Điều này đặt các CTCK khác phải nâng cao năng lực và khả năng kinh doanh, từ đó thúc đẩy toàn bộ hệ thống các đơn vị thành viên thị trường.
Mặt khác, theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán
SSI (HoSE:
SSI), đơn vị dẫn đầu vốn điều lệ và thị phần chứng khoán, dung lượng thị trường sẽ ngày càng lớn theo thời gian khi có nhiều doanh nghiệp lên sàn. Các CTCK sẽ cần nâng cao khả năng vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay ký quỹ gia tăng.
“Sức bật” từ chính sách và công nghệ
Theo ông Bùi Hoàng Hải, năm nay, khả năng về vốn và tiếp cận thị trường của các CTCK sẽ được cải thiện và hỗ trợ nhờ những chính sách thúc đẩy từ phía cơ quan quản lý, trong đó có Luật Chứng khoán sửa đổi.
Trọng tâm của luật sửa đổi có 2 nội dung chính. Thứ nhất là mở rộng khả năng huy động vốn của các CTCK, giúp các doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền, tăng quy mô. Thứ hai là quy định chi tiết các dịch vụ mà CTCK được cung cấp. Điểm này nằm trong câu chuyện chung của thị trường, hướng tới đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm chứng khoán.
Mặt khác, khả năng áp dụng công nghệ tài chính (Fintech) cũng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho các CTCK, trong đó có việc tiếp cận nhà đầu tư. Ông Hải dẫn chứng, hiện nay địa chỉ kinh doanh, phòng giao dịch, chi nhánh của các CTCK chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội, TP HCM, khó có thể tiếp cận các nhà đầu tư ở tỉnh khác. Nếu mở rộng cơ sở ở các địa phương khác, CTCK sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, nếu áp dụng Fintech, CTCK có thể cho mở tài khoản online, xác thực danh tính điện tử, qua đó ra tăng lượng khách hàng mà không cần mở rộng chi nhánh.
Bên cạnh đó, một số CTCK đang tiến tới sử dụng robot, trí thông minh nhân tạo (AI) để tư vấn cho khách hàng. Theo lãnh đạo UBCKNN, AI sử dụng thuật toán và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Khách hàng sẽ được tư vấn khách quan dựa trên năng lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro, xu hướng đầu tư. Áp dụng AI nói riêng và công nghệ sẽ làm chuyên nghiệp hóa hơn vấn đề quản trị và tiết giảm chi phí doanh nghiệp.
Với những chuyển động đang diễn ra trong khối các doanh nghiệp chứng khoán, năm 2019 nhiều khả năng sẽ chứng kiến những cuộc rượt đuổi thị phần quyết liệt giữa các nhà môi giới trên thị trường.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.