Hàng rào phi thuế quan còn là "gai nhọn" hơn thuế quan
Hội thảo về cơ hội từ hiệp định thế hệ mới CPTPP diễn ra hôm nay (26/3) ở TP HCM.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), chia sẻ hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào một số nước thành viên vẫn phải tuân thủ yêu cầu của nước đó.
Bà dẫn ví dụ Việt Nam xuất khẩu mỳ tôm sang một nước thành viên của CPTPP, nếu ghi nhãn không đúng thì lô hàng sẽ không được thông qua. Khi đó, việc tháo dỡ và đóng gói lại bao bì với ghi nhãn đúng rất tốn kém, có trường hợp quy trình này đắt hơn giá thành của 1 gói mỳ. Thậm chí, nếu quy trình đó phải làm tại nước nhập khẩu, doanh nghiệp coi như phải hủy toàn bộ lô hàng.
Theo bà Trang, hai hàng rào phi thuế quan phổ biến hiện nay là biện pháp kỹ thuật trong thương mại (TBT) và biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS). Trong khi rào cản thuế quan chỉ hạn chế hàng hóa nhập khẩu, những hàng rào phi thuế quan như thế này có thể chặn đứng hoạt động thương mại.
Liên quan tới hàng rào phi thuế quan, Hiệp định CPTPP gần như nhắc lại toàn bộ quy định của WTO, tức là các bên có quyền ban hành các biện pháp TBT, SPS nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc của WTO.
Nói cách khác, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP vẫn phải chịu các hàng rào phi thuế quan. “Những hàng rào này không mới hơn, không cao hơn nhưng cũng thấp hơn so với hiện tại. Vì vậy, với CPTPP, các biện pháp phi thuế quan được nhiều nước đánh giá là nhiều ‘gai nhọn’ hơn so với hàng rào thuế quan”, bà Trang nói.
Đối với hàng rào thuế quan hay công cụ phòng vệ thương mại, theo quy định của WTO, các nước có quyền sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Đối với CPTPP, các nước thành viên vẫn tiếp tục được sử dụng công cụ này y hệt như trong khuôn khổ WTO.
Tuy nhiên, điểm khác là biện pháp tự vệ theo WTO sẽ phải áp dụng trên phạm vi toàn cầu, nhưng trong CPTPP, biện pháp này chỉ áp dụng với một hoặc một số nước thành viên.
Lo ngại nhất với thịt gà, thịt lợn...
Khi ký kết các hiệp định FTA nói chung và CPTPP nói riêng, ngoài việc các đối tác cam kết mở cửa cho Việt Nam, Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa nước ngoài. Điều này có nghĩa là áp lực cạnh tranh trên sân nhà sẽ lớn hơn, thách thức sẽ nhiều hơn đối doanh nghiệp không kinh doanh xuất khẩu mà chỉ tập trung vào thị trường trong nước, bà Trang cho biết.
Theo bà, ngành hàng đáng lo ngại nhất là nông nghiệp, vì nhiều mặt hàng không được xóa bỏ rào cản thuế ngay lập tức và lộ trình xóa bỏ kéo dài.
Điển hình là các nước CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho thịt gà của Việt Nam vào năm thứ 11 hoặc thứ 12.
Thịt lợn được xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đối với thịt tươi và vào năm thứ 8 đối với hàng đông lạnh.
Thực phẩm chế biến từ thịt được xóa bỏ thuế vào năm thứ 8 đến năm thứ 11. Trong khi đó, thực phẩm chế biến từ thủy sản được xóa bỏ vào năm thứ 5.
Ngoài ra, các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu rượu bia của Việt Nam vào năm thứ 3 đối với rượu sake, năm thứ 11 hoặc năm thứ 12 với các mặt hàng còn lại.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.