Ngày 5/3, tại buổi tọa đàm về “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành dầu khí”, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những chia sẻ về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp.
Tính đến cuối 2018, tổng số công ty đại chúng đã đăng ký với UBCKNN là 1.926 công ty, trong đó có 754 cổ phiếu niêm yết trên hai SGDCK và 805 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Đánh giá về thực trạng công bố và minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những năm gần đây, ông Điền cho biết chất lượng công bố thông tin đã được cải thiện.
Các doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu, muốn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều phải nỗ lực đạt được các điều kiện chào bán. Khi các doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu thì cơ quan quản lý, thị trường có điều kiện để kiểm soát tính công khai, minh bạch, hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp. Do đó, về cơ bản, các DNNY đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và quản trị công ty theo quy định.
Trong những năm gần đây, các vi phạm về minh bạch thông tin mà cụ thể là vi phạm về báo cáo và công bố thông tin đã giảm trong tổng số các vi phạm hành chính trên TTCK. Tỷ trọng vi phạm về minh bạch hóa thông tin giảm từ 86,7% năm 2013 xuống còn 60,7% năm 2016. Theo kết quả khảo sát năm 2018 thực hiện với 686 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, có 266 công ty đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra, chiếm 38,78%, tăng so với con số 16,96% của năm 2017.
Mặc dù vậy, theo ông Điền, thực trạng minh bạch thông tin DNNY trên TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.
Thứ nhất, tình trạng vi phạm hành chính về công bố và minh bạch thông tin vẫn tăng cao. Theo thống kê của UBCKNN, giai đoạn 2010-2016, cơ quan chức năng đã ra hơn 1.000 quyết định xử phạm vi phạm hành chính trên TTCK. Năm 2017, con số này là 214 quyết định xử phạt 80 cá nhân và 134 tổ chức. Trong năm 2018, có 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân, trong đó, xử phạt 9 cá nhân có hành vi thao túng, tạo cung cầu giả, buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch, buộc từ bỏ quyền biểu quyết đối với 1 trường hợp vi phạm chào mua công khai. Số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt.
Thứ hai, báo cáo tài chính ở một số doanh nghiệp chất lượng còn hạn chế, việc công bố báo cáo tài chính còn chậm, phải xin gia hạn. Một số DNNY vẫn chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, tình hình quản trị công ty, số liệu tại báo cáo tài chính còn có sai sót. Để lý giải việc chậm công bố thông tin BCTC, nhiều doanh nghiệp thường đưa lý do khách quan như công tác kế toán, kiểm toán cần thời gian dài; công ty con…
Thứ ba, chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên thị trường kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Một số công ty chưa thực hiện đầy đủ theo quy định một số vấn đề như: thủ tục về tổ chức ĐHĐCĐ còn thiếu sót (tài liệu họp thiếu phiếu biểu quyết, việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ được lập không sớm hơn 5 ngày trước ngày gửi giấy mời họp)…
Thứ tư, việc sử dụng vốn thu được từ các đợt chào bán còn một số tồn tại, vi phạm chủ yếu liên quan đến giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi có thông báo bằng văn bản của UBCKNN, thay đổi phương án sử dụng vốn không báo cáo, công bố thông tin theo quy định.
Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tập trung giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của thành viên thị trường nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch hóa trên TTCK, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của NĐTNN. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết, lập và công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.