Sáng nay (18/4), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE:
CII) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2019.
2018 là năm khó khăn nhất từ khi thành lập
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc
CII, thừa nhận 2018 là năm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập. Ông Bình chỉ ra các vấn đề như tạm dừng thanh toán các dự án BT gây ảnh hưởng dòng tiền vào, phá vỡ tất cả các dự tính; BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ so với kế hoạch khi nhà đầu tư phải tăng thêm vốn để đáp ứng điều kiện cho vay ngân hàng; BOT Xa lộ Hà Nội chưa thể thu phí...
Cụ thể, việc tạm dừng thanh toán các dự án theo hợp đồng BT do Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi có Nghị định của Chính phủ quy định. Đến ngày 28/12/2018 thì Nghị định mới được ban hành, do đó suốt năm 2018,
CII không được thanh toán hợp đồng nào đã ký.
Dự án BOT Xa lộ Hà Nội,
CII có kế hoạch thu phí từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên đến ngày 31/12/2017, dự án vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh nên phụ lục hợp đồng chưa được ký chính thức. Việc triển khai thu phí hoàn vốn không thực hiện được.
Ông Bình thừa nhận mất cân đối thu chi là một áp lực khủng khiếp đối với HĐQT. Trải qua thất bại,
CII học được bài học xây dựng phòng chống rủi ro, cân đối các nguồn lực về tài chính giữa đầu tư và thu hồi.
Kế hoạch lãi công ty mẹ hợp nhất 932 tỷ đồng
Cho năm 2019, ông Bình khẳng định những khó khăn từ năm cũ đã cơ bản được khắc phục. Việc thanh toán BT đã thông, đã được cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng trở lại đối với 2 dự án BOT. Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng sẽ được thông xe vào cuối 2020, các bộ ngành đang hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thi công.
CII cũng giảm được nợ ngắn hạn, phát hành được trái phiếu kỳ hạn, hỗ trợ cho thanh khoản tốt hơn.
Theo đó, trong năm này,
CII sẽ đưa vào thu phí hoàn vốn dự án BOT Xa lộ Hà Nội, khai thác dự án mở rộng QL60; hoàn thành phần thân dự án 152 Điện Biên Phủ; phấn đấu triển khai thi công đồng loạt BT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Vì vậy, HĐQT trình kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng, LNST công ty mẹ hợp nhất 932 tỷ đồng (không trừ lợi thế thương mại). Trong khi doanh thu tăng 52% thì lợi nhuận gấp 9,8 lần thực hiện năm trước. HĐQT cũng lưu ý kế hoạch này chỉ có thể hoàn thành nếu không xảy ra tình huống thay đổi chính sách theo hướng bất lợi so với tình hình hiện nay.
Do năm 2018 đạt lợi nhuận không cao (LNST công ty mẹ chỉ 95 tỷ đồng), HĐQT trình cổ đông tạm thời không chia cổ tức. Năm 2019, cổ tức tối đa 32%, thực hiện bằng tiền hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Bình có nêu phương án trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông sau một năm 2018 "vui vẻ gì".
Cũng từ kết quả kinh doanh 2018 không như kế hoạch,
CII sẽ không phát hành ESOP 2018 trong năm 2019 theo Nghị quyết cũ.
HĐQT có tờ trình bổ nhiệm ông Dương Trường Hải làm thành viên HĐQT độc lập thay thế ông Dominic Scriven.
CII sẽ có dòng tiền 64% từ khoản thoái vốn 5.000 tỷ đồng của NBB
- Cổ đông: Kế hoạch 2019 vẫn có điều kiện loại trừ thay đổi chính sách. Vậy thì khả năng thành công của kế hoạch là bao nhiêu, đến từ đâu?
- Ông Lê Quốc Bình: Chúng tôi dám khẳng định hoàn thành kế hoạch, thậm chí có thể vượt. Khoản lợi nhuận 932 tỷ đồng có 95% đến từ bất động sản (thoái bớt quỹ đất). Thanh toán BT có rồi, đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
CII cũng có kế hoạch làm việc với các đối tác, đặc biệt NBB. NBB sẽ đóng góp 1 khoản lợi nhuận khá lớn cho
CII năm 2019.
- Cổ đông: Tại sao CII lại liên tục nâng sở hữu ở CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB)? Mục đích tăng sở hữu là gì?
- Ông Lê Quốc Bình: NBB là một cơ hội đầu tư tuyệt vời trong số các cơ hội đầu tư. Về mục đích, chúng tôi đã thống nhất với Chủ tịch HĐQT NBB. NBB sẽ thoái vốn các dự án đầu tư BĐS. Khi
CII nâng tỷ lệ nắm giữ từ 49% lên 64% thì công ty sẽ có phần tiền từ phần thoái vốn này. Khi NBB thu về 5.000 tỷ đồng từ thoái vốn thì
CII sẽ có 64% của số tiền này. Khoản tiền này chắc chắn sẽ được thu về.
- Cổ đông: Ông Bình chia sẻ lợi nhuận phần lớn đến từ BĐS và khoản thoái vốn của NBB nhưng tôi lo lắng nó không phải phần kinh doanh cốt lõi của
CII.
- Ông Lê Quốc Bình: Thứ nhất,
CII không có năng lực làm BĐS và không đi theo con đường phát triển dự án BĐS. Nhưng
CII có thể tạo ra quỹ đất, sau đó hợp tác với các nhà phát triển BĐS khác hoặc chuyển nhượng quỹ đất. Dòng tiền sẽ từ đây đi về.
Quay trở lại năng lực cốt lõi,
CII có kinh nghiệm phát triển cầu đường, dự án BT, BOT. Chúng ta sẽ đi đầu tư quỹ đất ở những nơi chưa có cơ sở hạ tầng, sau đó xây dựng BT, BOT, hạ tầng phát triển, đất đó từ đất nông nghiệp thành đất thành thị. Đó là con đường
CII sẽ đi. Nhưng muốn đi được thì gặp vấn đề về vốn, về khả năng đổi từ đất nông nghiệp thành đất đô thị. Do đó,
CII phải có dòng tiền tốt.
- Cổ đông: Cổ tức 32% bằng tiền trả khi nào?
- Ông Lê Quốc Bình: Dự kiến đến cuối năm nay,
CII sẽ trả một nửa. Đầu năm sau, công ty sẽ trả phần còn lại.
Khổng Chiêm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.