• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.218,57 -13,32/-1,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.218,57   -13,32/-1,08%  |   HNX-INDEX   221,53   -2,29/-1,02%  |   UPCOM-INDEX   91,33   -0,54/-0,59%  |   VN30   1.271,22   -15,43/-1,20%  |   HNX30   469,62   -6,98/-1,46%
16 Tháng Mười Một 2024 1:49:02 CH - Mở cửa
Vì sao ETF hấp dẫn vốn ngoại?
Nguồn tin: BizLive | 23/04/2019 1:49:05 CH
"Vốn ngoại chảy qua ETF vì vướng giới hạn room và khó tiếp cận thông tin doanh nghiệp"
 
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)  
 
Xu hướng dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay tương đồng với dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi trong khu vực (Ấn Ðộ, Indonesia, Philippines, Trung Quốc…). Ðiều này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.
 
Một là, đà tăng của USD trong năm 2018 đang chững lại và dự báo sẽ quay đầu giảm trong năm 2019 (do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ôn hòa hơn trong chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế Mỹ không còn vượt trội, nguy cơ thâm hụt ngân sách dẫn đến thâm hụt thương mại ở Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt…).
 
Hai là, các TTCK mới nổi trở nên hấp dẫn hơn sau nhịp điều chỉnh cuối năm 2018 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế các nước này duy trì ổn định, trái ngược với đà giảm tốc ở các thị trường phát triển. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhưng có triển vọng sớm được nâng hạng, trong khi đang giữ được tính cạnh tranh so với các thị trường lân cận trong việc thu hút vốn ngoại, nhờ sự ổn định về vĩ mô, với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và có vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng hàng hóa của khu vực.
 
Trong thời gian tới, tôi cho rằng, lợi thế này của Việt Nam sẽ được duy trì, nhất là khi tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier 100 Index dự báo sẽ tăng mạnh sau khi Kuwait và Argentina được nâng hạng trong các kỳ xem xét tới đây của MSCI. Qua đó, xu hướng dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng tiếp diễn trong vài quý tiếp theo. Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục hướng tới nhóm cổ phiếu doanh nghiệp vốn hóa lớn, đầu ngành do sự phù hợp trong chiến lược đầu tư về quy mô vốn hóa, giá trị giao dịch cũng như sự minh bạch trong công bố thông tin.
 
Tiếp xúc với các nhà đầu tư ngoại, tôi nhận thấy, nhu cầu tiếp cận thông tin của họ rất cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phần đông chưa đáp ứng được. Công tác quan hệ đầu tư (IR) chưa được chú trọng đầu tư bài bản (ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn), đặc biệt trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và chính xác cho nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.
 
Họ lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam phần lớn nhờ các yếu tố hấp dẫn về mặt vĩ mô, tổng quan thị trường, trong khi gặp khó khăn trong việc lựa chọn doanh nghiệp do khó tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, giới hạn room ngoại là một rào cản lớn. Do đó, nhiều nhà đầu tư lựa chọn chiến lược đầu tư qua các quỹ ETF.
 
"Sản phẩm ETF phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư"
 
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
 
Từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại duy trì xu hướng mua ròng, kể cả khi loại trừ các giao dịch thỏa thuận lớn như MSN, VRE, VHM… Ðiều này cho thấy, khối ngoại vẫn tỏ ra lạc quan với xu hướng hiện tại của thị trường.
 
Fed có khả năng sẽ không tăng lãi suất trong năm 2019 nên áp lực tỷ giá sẽ giảm đáng kể. Ðồng thời, mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục ở mức thấp và tăng trưởng GDP cũng như lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trên TTCK vẫn đảm bảo mức cao. Bên cạnh đó, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tiếp tục tác động tích cực lên dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ cho tiến độ niêm yết và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn sẽ giúp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK. Do đó, tôi cho rằng, khối ngoại sẽ duy trì xu hướng mua ròng trong quý II/2019.
 
Dòng vốn ngoại trong thời gian qua chảy khá mạnh vào các quỹ ETF, nhất là quỹ ETF nội VFMVN30. Hiệu quả không cao của nhiều quỹ đóng, quỹ đầu tư truyền thống có lẽ là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ưa thích sản phẩm quỹ ETF. Trong khi đó, tính biến động của thị trường lớn do ảnh hưởng từ các rủi ro khó dự báo trước như địa chính trị thế giới, chiến tranh thương mại, nên chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư linh hoạt hơn và sản phẩm ETF phù hợp với chiến lược này. Ðặc biệt, tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn duy trì ở mức hai con số là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm ETF hấp dẫn.
 
"Dòng vốn ngoại vẫn quan tâm đến Việt Nam"
 
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
 
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên thế giới đang tìm cách rời khỏi những khu vực dân số già hóa và bất ổn về kinh tế, chính trị, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn.
 
Bởi lẽ, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt, cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định với định hướng giảm rào cản gia nhập thị trường và kêu gọi đầu tư nước ngoài…
 
Trong quý I/2019, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 30%, lượng vốn góp, đầu tư mua cổ phần tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Ðáng chú ý, một phần dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán thông qua các quỹ ETF, cả quỹ nội và quỹ ngoại. Cụ thể, với chứng chỉ quỹ nội E1VFVN30, từ đầu năm 2019 đến nay, E1VFVN30 đã phát hành ròng 20,2 triệu chứng chỉ quỹ, nâng số lượng chứng chỉ quỹ từ 295,6 triệu đơn vị tại thời điểm cuối năm 2018 lên 315,8 triệu đơn vị. Tổng tài sản ròng của E1VFVN30 tăng 600 tỷ đồng, đạt hơn 4.730 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4.167 tỷ đồng cuối năm 2018.
 
Xu hướng tương tự được ghi nhận tại các chứng chỉ quỹ ETF nước ngoài là FTSE và MVIS. Trong quý I/2019, số lượng chứng chỉ quỹ phát hành ròng của 2 quỹ này tăng lần lượt 950.000 đơn vị và 3,7 triệu đơn vị; giá trị tài sản ròng tăng lần lượt 27% và 30%.
 
Tuy nhiên, mỗi loại hình quỹ (ETF hay các quỹ đầu tư chủ động) có chiến lược giải ngân và mục tiêu đầu tư riêng, nên chưa đủ cơ sở để khẳng định các quỹ ETF đang hấp dẫn vốn ngoại hơn các loại hình quỹ khác.
 
Trong khi đó, hiện tượng gia tăng huy động vốn thông qua phát hành thêm chứng chỉ quỹ mới chỉ kéo dài khoảng một quý. Mặt khác, không thể không nhìn nhận rằng, tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam cùng với lộ trình cổ phần hóa/thoái vốn nhà nước mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện mở ra nhiều cơ hội đầu tư, không chỉ bó buộc ở trong nhóm doanh nghiệp lớn niêm yết (vốn là đối tượng nhận đầu tư chính của các quỹ ETF), mà còn mở rộng ra ở nhiều công ty khác với quy mô và hình thức sở hữu đa dạng - đối tượng chỉ có các quỹ đầu tư nước ngoài theo hình thức chủ động với quy chế đầu tư linh hoạt mới có thể tìm đến.
 
"Giải ngân qua ETF dễ thực hiện hơn"
 
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) 
 
Khối ngoại có xu hướng giải ngân chậm lại trong hơn một tháng qua, sau khi gia tăng gia trị mua ròng ở hai tháng đầu năm. Dự báo, dòng chảy của vốn ngoại sẽ duy trì ở mức trung bình hoặc thấp trong quý II/2019. Thực tế, quý II hàng năm, khối ngoại thường hạn chế giao dịch. Tất nhiên, khối ngoại vẫn sẽ tập trung tham gia giao dịch ở các cổ phiếu blue-chips.
 
Về hoạt động giải ngân của khối nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ ETF, tôi cho rằng, việc này dễ thực hiện đúng luật và hợp lý hơn, nhất là khi không ít mã cổ phiếu đã hết room ngoại. So sánh quy mô giải ngân của các quỹ ETF với đầu tư trực tiếp nước ngoài hay đầu tư gián tiếp nước ngoài nói chung thì con số hiện nay không đáng kể, nhưng dự báo xu hướng này sẽ ngày càng gia tăng khi quy mô nền kinh tế cũng như vốn hóa thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh.
 
Quỹ ETF VFMVN30 là quỹ giao dịch mô phỏng chỉ số VN30 với chi phí hoạt động thấp, hiệu quả cao. Kinh tế tăng trưởng mạnh, quy mô thị trường chứng khoán gia tăng sẽ kèm theo sự tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán như VN-Index, VN30. Quỹ giao dịch mô phỏng chỉ số VN30, theo tôi, sẽ tiếp tục hấp dẫn dòng vốn ngoại.
 
Hải Vân
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.