Ngày 28/6, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sẽ chính thức niêm yết và giao dịch sản phẩm mới Covered Warrant (CW - Chứng quyền có bảo đảm). Hiện một số công ty chứng khoán đã công bố các CW chính thức phát hành với lượng mua rất lớn từ phía các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư quan tâm nhiều đến CW
Tại hội thảo về CW do HoSE tổ chức chiều 14/6, ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Cá nhân của Chứng khoán SSI cho biết sản phẩm CW được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
SSI là công ty chứng khoán dự kiến phát triển số sản phẩm CW đa dạng nhất với 6 mã chứng quyền dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở. Đợt đầu, SSI sẽ phát hành 3 triệu chứng quyền MBB kỳ hạn 3 tháng với giá thực hiện 1.900 đồng. Ông Linh cho biết đến chiều 14/6, lượng đặt mua của nhà đầu tư đã gấp đôi lượng chào bán, đạt khoảng 6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, Chứng khoán BSC là đơn vị phát hành chứng quyền với mã chứng khoán cơ sở MWG. Số lượng 1 triệu chứng quyền kỳ hạn 3 tháng, giá phát hành 2.000 đồng. Theo đại diện BSC, nhu cầu đặt mua CW của nhà đầu tư tại BSC cũng cao hơn nhiều so với số chào bán. Một đơn vị khác là MBS cũng cho biết nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư với lượng đặt mua đạt khoảng 130% lượng chào bán.
Hay đại diện chứng khoán HSC cho biết sản phẩm chứng quyền MBB của công ty dự kiến phân phối vào thứ 2 tuần tới (17/6) với mức giá 2.800 đồng nhưng vẫn có thể điều chỉnh.
CW nên là sản phẩm trading
Ông Nguyễn Đình Thanh, Phó giám đốc HoSE, cho biết CW là sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà đầu tư, công ty chứng khoán và thị trường chung. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng hàm chứa nhiều rủi ro từ mức độ đòn bẩy cao, vòng đời giới hạn, rủi ro đáo hạn, biến động giá cổ phiếu cơ sở…
Ông Thanh cho rằng sản phẩm CW còn giúp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các cổ phiếu đã hết room ngoại và điều này không gặp vấn đề nào. Tổng mức phát hành CW không vượt quá 10% tổng tỷ lệ free-floating và giai đoạn đầu chỉ thanh toán bằng tiền. Về việc tạo lập thanh khoản với CW, vị này cho rằng các tổ chức phát hành sẽ đảm bảo thông qua việc đặt lệnh mua hoặc bán để cân đối giá nằm trong biên độ 5%.
Hầu hết các công ty chứng khoán nhận định chứng quyền là cuộc chơi win-win giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành. Bởi khi phát hành CW thì công ty chứng khoán cũng phải mua cổ phiếu cơ sở để làm tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, sản phẩm này có rủi ro khi đáo hạn. Trong đợt đầu, các công ty chứng khoán sẽ phát hành tổng cộng 9 CW với thời gian đáo hạn khá gần nhau, khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng “bắt tay” làm giá.
Ông Nguyễn Duy Linh cho rằng việc này khó có thể xảy ra. Các công ty cũng nắm giữ chứng khoán cơ sở và việc làm giá khiến công ty cũng chịu thiệt hại lớn, bởi quy mô của CW khá nhỏ so với thị trường cơ sở.
Vị này cũng nói rằng các công ty cũng đặt nhà đầu tư trên hết, ngoài ra các tổ chức phát hành cũng phải luôn giữ uy tín cho doanh nghiệp, cho các đợt phát hành sau cũng như các sản phẩm mới khác.
Bổ sung về điều này, đại diện HSC cho rằng nhà đầu tư nên xem chứng quyền là sản phẩm chủ yếu dùng để trading, không nên nắm giữ đến ngày đáo hạn. Bởi khi đáo hạn, CW có rủi ro liên quan đến giá cổ phiếu cơ sở biến động mạnh, rủi ro về thuế tăng cao hơn cũng như tỷ lệ hedging càng giảm khi gần đáo hạn.
Phó Giám đốc HoSE Nguyễn Đình Thanh cho biết CW là sản phẩm thông dụng trên thế giới và có đến 90% nhà đầu tư bán trước thời điểm đáo hạn để tránh rủi ro. Khi gần đáo hạn, các tổ chức phát hành cũng sẽ bán dần cổ phiếu để lấy tiền chi trả cho nhà đầu tư, đó là một hành động tự nhiên chứ không phải bắt tay.
Ông Thanh cũng khẳng định Sở sẽ giám sát hoạt động mua bán đối với cả chứng khoán cơ sở và CW, qua đó sẽ xem xét tất cả các hành vi có liên quan. Ông cũng khẳng định đây không phải là sản phẩm để đáo hạn và lưu ý nhà đầu tư khi gần đáo hạn có thể có rủi ro.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.