Liên minh châu Âu (EU), khối thương mại lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của cả Trung Quốc và Mỹ, rơi vào một tình tế hết sức khó xử, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng sức ép lên Bắc Kinh hồi đầu tháng 5, trong đó bao gồm đưa tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen.
“Châu Âu đang trong vị thế hoàn toàn bất lợi khi phải 'làm vừa lòng' cả Mỹ và Trung Quốc. Đó dường như là câu hỏi rất khó trả lời khi châu Âu không muốn thiên vị bên nào”, theo Gal Luft, đồng chủ tịch Viện nghiên cứu an ninh toàn cầu, trụ sở Washington, Mỹ.
Khi quan điểm mang tính chủ nghĩa dân tộc nóng lên sau “thất bại” của đàm phán thương mại Mỹ-Trung hồi đầu tháng 5, những quan chức cấp cao hai bên tăng cường các biện pháp ngoại giao nhằm kêu gọi sự ủng hộ cũng như tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn từ các quốc gia châu Âu.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại với Mỹ, công du tới Đức và Hà Lan chỉ vài ngày sau khi ông Lý Chiến Thư, nhân vật quan trọng thứ 3 trong đảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc chuyến thăm Hungary, Áo và Na Uy.
Chuyến đi của ông Vương diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thủ đô Berlin, gặp song phương với Thủ tướng Angela Merkel hôm 31/5. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo cũng thăm Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh.
Chuyến thăm đến 4 quốc gia của ngoại trưởng Mỹ được cho là bước chạy đà cho các chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump trong đầu tháng 6.
EU đang trong tình thế hết sức khó khăn để có thể cân bằng giữa hai bên, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một xấu đi cùng những rạn nứt trong quan hệ thương mại EU - Mỹ. Các quốc gia châu Âu và Trung Quốc như đứng giữa một “ngã tư đường”, khi tình hình sắp tới được dự báo khá chông gai bởi mâu thuẫn ngày một tăng cao.
Trong lần điều chỉnh chính sách ngoại giao với Trung Quốc trong tháng 3, Ủy ban châu Âu, một trong những cơ quan quyền lực nhất EU, lần đầu đã gắn Trung Quốc với những tên gọi như “đối thủ cạnh tranh thương mại” và “kình địch mang tính hệ thống”.
Các quan sát viên cho rằng với sự quay trở lại của căng thẳng thương mại, châu Âu, vốn đã gặp khó trong mỗi quan hệ “đối địch” giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, có thể được coi coi là “chiến trường” khi Mỹ, Trung Quốc thực hiện các tính toán địa chính trị.
“Cách nhìn nhận của châu Âu là họ cơ bản đồng ý với những chỉ trích của Mỹ dành cho Trung Quốc, nhưng họ lại không đồng tình với những biện pháp và cách thức Mỹ tiến hành những biện pháp trừng phạt”, theo Tamas Matura, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, đang là trợ lý giáo sư tại Đại học Corvinus, Budapest, kiêm chủ tịch Trung tâm Trung và Đông Âu về nghiên cứu châu Á.
“Liên minh châu Âu cũng như các thành viên đề cao vai trò của ổn định và tự do thương mại toàn cầu, và bất cứ xung đột nào đều không được ủng hộ”, ông cho biết.
John Seaman, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, cho biết các quốc gia châu Âu nhìn chung đồng tình với những quan ngại của Mỹ dành cho Trung Quốc.
Những quan ngại đó bao gồm độ mở cửa thị trường Trung Quốc và các đặc quyền, cạnh tranh công bằng và ảnh hưởng của Bắc Kinh trong nền kinh tế; từ an ninh quốc phòng đến những công trình hạ tầng quan trọng... và cuối cùng là tầm ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trên trường quốc tế, đặc biệt là sự lớn mạnh của ngành công nghệ.
Seaman cho rằng hành động gần đây nhất của Washington nhằm vào tập đoàn Huawei “là bước ngoặt trong cách Mỹ tiếp cận với Trung Quốc”.
“Dường như chúng ta vẫn ở giai đoạn đầu của cách tiếp cận mới mang nhiều tính cấu trúc hơn từ phía Mỹ, khi chính quyền Trump đang muốn tận dụng mọi khía cạnh sức mạnh của quốc gia”, ông cho biết.
Philippe Le Corre, chuyên gia kỳ cựu trong chương trình Á- Âu khởi xướng bởi Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, chia sẻ ông đã thấy trước những điều Trump đã làm với Huawei, ngay từ thời điểm công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới trở thành “một biểu tượng vươn ra tầm quốc tế của Trung Quốc”.
Các quan chức Mỹ đổ lỗi Trung Quốc nuốt lời, không thực hiện các cam kết về việc xóa bỏ các chính sách thương mại “bóp méo”. Đó cũng chính là lý do chính quyền Trump đã nâng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% sau khi hai bên kết thúc vòng đàm phán thứ 11 hồi đầu tháng 5 tại Washington mà không đạt được thỏa thuận.
Bắc Kinh cũng có những biện pháp trả đũa khi áp mức thuế mới lên khối lượng hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Tổng thống Trump tăng cường sức ép lên Bắc Kinh khi công bố lệnh cấm công ty Mỹ không được cung cấp sản phẩm linh kiện quan trọng cho Huawei cũng như các công ty con của tập đoàn này, với lý do an ninh quốc phòng có thể bị ảnh hưởng.
Washington trong nhiều tháng đã kêu gọi sự tham gia của các quốc gia đồng minh nhằm tẩy chay Huawei, trong bối cảnh tập đoàn này đang nổi lên là một trong những “trụ cột” của Trung Quốc trong quá trình nâng cao tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh lên nền thương mại và công nghệ của thế giới.
Trong khi Australia và Nhật Bản đã có những động thái nhất định thì các đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu vẫn đang tỏ ra khá lưỡng lự về việc có nên áp dụng các lệnh cấm lên công ty của Trung Quốc hay không?
Tình trạng này xảy ra bất chấp châu Âu có chung lo ngại với Mỹ về vai trò lãnh đạo của Huawei trong quá trình phát triển của mạng di động thế hệ thứ 5, hay còn gọi là 5G, công nghệ cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn gấp 20 lần những tiêu chuẩn hiện tại.
Trong chuyến đi tới châu Âu vừa qua, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo kỳ vọng “lôi kéo” được các đồng minh lâu đời của Mỹ cùng chung tay đối phó Trung Quốc, cụ thể là Huawei, khi các sản phẩm của công ty này bị cho rằng sẽ giúp Trung Quốc thực hiện hoạt động tình báo cũng như làm gián đoạn mối quan hệ đồng minh.
Tuy nhiên, Pháp, Đức, Anh và Hà Lan lại tỏ ra rất cương quyết với lựa chọn của họ. Nhiều lãnh đạo châu Âu cho biết họ đã thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn an ninh rất chặt chẽ đối với Huawei.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ họ sẽ không cấm Huawei hoặc các công ty khác vì châu Âu “mang những quan điểm khá thực dụng”.
Ví dụ, về mạng 5G, nhiều chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến độ an toàn của hệ thống. Sự tập trung của họ đang dồn vào những biện pháp giúp mạng 5G trở nên an toàn và ổn định hơn, ít mang những toan tính địa chính trị.
“Hai nhiệm vụ đó khó có thể tách rời. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào các rủi ro địa chính trị mà không xây dựng các nguyên tắc, quy trình cũng như cách thức thực hiện nhằm đảm bảo trục 'xương sống' cho một xã hội kết nối, điều đó sẽ rất nguy hiểm”, theo ý kiến của Seaman.
Duncan Freeman, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quan hệ châu Âu- Trung Quốc, Đại học châu Âu, Brussel, Bỉ, cho biết thương mại và công nghệ là hai lĩnh vực riêng biệt, nhưng bất đồng đang tiếp diễn giữa Washington và Bắc Kinh trong những lĩnh vực trên có thể làm thay đổi vị thế của hai quốc gia trong mối quan hệ song phương.
“Những bất đồng gần đây xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh trong khi Mỹ đang giảm dần tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế”, ông nói.
“Vị trí số một thế giới của Mỹ dựa trên sức mạnh kinh tế và công nghệ, qua đó gián tiếp củng cố sức mạnh quốc phòng, nhưng rõ ràng họ đang mất vị trí này trong một số lĩnh vực mang tính chiến lược”.
Freeman không cho rằng các chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ sẽ tạo ra một bước ngoặt trong cán cân quyền lực trong dài hạn, nhưng ông đồng ý rằng cách tiếp cận của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc đánh dấu một sự biến chuyển lớn trong các chính sách trong tương lai.
“Chính sách mới sẽ không đặt mục tiêu rõ ràng là tái cân bằng cán cân quyền lực khi Mỹ đang suy yếu còn Trung Quốc lại trỗi dậy mạnh mẽ. Chúng ta có thể sẽ phải đón nhận thêm những bất đồng trong tương lai khi quá trình này tiếp tục diễn ra”.
“Điểm quan trọng ở đây là cách Mỹ sẽ đối phó với sự sụt giảm vị thế trên trường quốc tế trong dài hạn, và cách Trung Quốc duy trì vị thế đang ngày một nâng cao mà không phải đụng độ với Mỹ”.
Freeman cho biết những bài học trong quá khứ, như trường hợp của Nhật Bản và nhiều đồng minh khác của Mỹ, cho thấy EU đang là mục tiêu thương mại của Mỹ khi chính quyền Trump cho rằng khu vực này không khác gì Trung Quốc trong các chính sách bảo hộ.
“Sẽ rất khó để liên minh châu Âu có thể đạt được trạng thái tự do vì khu vực này phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan an ninh quốc phòng cũng như kinh tế”, ông chia sẻ.
Freeman cho biết chính các chính sách của chính quyền Trump đã khiến châu Âu thêm lo ngại về quan hệ đồng minh. Tuy nhiên, quan hệ EU-Mỹ vẫn là trọng tâm trong những chính sách của EU.
Do đó, “sẽ không có một sự thay đổi chính sách lớn nào trong ngắn hạn”, Freeman cho hay.
“Nói rộng hơn, châu Âu đang tìm kiếm con đường tốt nhất có thể để tránh bị kéo vào vòng xoáy quan hệ Trung- Mỹ vì khi đó họ sẽ phải đưa ra quyết định hết sức khó khăn", theo Seaman.
Trọng Đại/Theo SCMP
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.