Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng từ năm 2021 vì nhu cầu tiêu thụ vượt xa tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới, Bộ Công Thương nói với Reuters.
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ vượt nguồn cung 6,6 tỷ kWh vào năm 2021. Mức thiếu hụt sẽ tăng lên 15 kWh vào năm 2030, tương đương khoảng 5% tổng nhu cầu dự báo vào cùng thời điểm, Bộ Công Thương trả lời Reuters thông qua thư điện tử.
Ngoài việc thiếu hụt nguồn cung điện, nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam bị trì hoãn trong thời gian dài. “Doanh nghiệp đang gặp khó trong việc đảm bảo có đủ vốn từ các nguồn trong nước, trong khi Chính phủ bắt đầu hạn chế bảo lãnh đối với các khoản vay nước ngoài”, bộ cho biết. Tháng 6, truyền thông trong nước cho biết có 47 trong 62 dự án phát điện của Việt Nam (với tổng công suất 200 MW) bị đình trệ. Một số dự án thậm chí bị chậm tiến độ ít nhất 2 năm.
Việt Nam sẽ cần trung bình 6,7 tỷ USD mỗi năm để tăng công suất phát điện hàng năm thêm 10% trong giai đoạn 2016 – 2030. “Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh giá điện Việt Nam hiện không đủ cao để tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp”, bộ nhận định.
Theo số liệu của Chính phủ, công suất phát điện của Việt Nam cần tăng từ mức hiện tại 48.600 MW lên 60.000 MW vào năm 2020 và 129.500 MW vào năm 2030.
Ông Daine Loh, chuyên gia phân tích về điện và năng lượng tái tạo tại Fitch Solutions, cho biết nguy cơ thiếu hụt điện sẽ gây ra một số rủi ro đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt sẽ không quá lớn để tạo ra tác động nghiêm trong đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Tôi tin rằng Việt Nam có thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt điện bằng cách tăng nhập khẩu điện trong những năm tới, chủ yếu từ Lào và Trung Quốc”, ông Daine nói. Vị chuyên gia này cho biết Việt Nam có kế hoạch mua 1 GW điện mỗi năm từ các nước láng giềng.
Cũng theo Bộ Công Thương, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào than, nguyên liệu chiếm 38,1% tổng công suất phát điện hiện nay. Việt Nam sẽ phải mua 720 triệu tấn than từ thị trường trong nước và 680 triệu tấn than từ nước ngoài để phục vụ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2016 – 2030.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng để phục vụ phát điện.
Bộ Công Thương dự báo tình trạng thiếu điện sẽ giảm dần sau năm 2025 khi các nhà máy điện khí mới đi vào hoạt động.
Thanh Long/ Theo Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.