Xu hướng chung trên thế giới
Theo thống kê của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), tính đến năm 2018, số lượng chứng quyền phát hành và niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán thế giới đạt gần 2,3 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt gần 937 tỷ
USD.
Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan ghi nhận giá trị giao dịch chứng quyền hơn 30,8 tỷ
USD, cao hơn 75% so với 2017, dẫn đầu thế giới về tăng trưởng trong năm 2018. Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong đứng thứ 2 về tăng trưởng với 36% nhưng dẫn đầu về giá trị với 728 tỷ
USD.
Sự mở rộng của thanh khoản và giá trị của thị trường chứng quyền đi cùng với số lượng phát hành mới các mã chứng quyền mới trên cổ phiếu cơ sở. Tại thị trường Thái Lan, có 337 loại chứng quyền được giao dịch dựa trên 76 chứng khoán cơ sở, trong đó phần lớn số này nằm trong nhóm SET100 và SET50 (nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn). Thị trường Hong Kong và Đài Loan cũng có đặc điểm tương tự.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch Phái sinh CTCP Chứng khoán
SSI (HoSE:
SSI), cho biết tại những thị trường chứng quyền phát triển, phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn đều được làm cơ sở để phát hành chứng quyền. Xu hướng chung của các tổ chức là ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu này để phát hành chứng quyền.
Ở thị trường tài chính lớn như Mỹ, gần như toàn bộ cổ phiếu trong nhóm S&P500 đều đã được làm chứng khoán cơ sở để phát hành quyền chọn, một sản phẩm có tính chất tương tự chứng quyền tại các thị trường châu Á. Theo ông Thông, quyền chọn được phát hành dựa trên các cổ phiếu thuộc vốn hóa top 100 đều có thanh khoản khá tốt. Đặc biệt tại thị trường Mỹ, theo một thống kê gần đây, khối lượng giao dịch trung bình quyền chọn tại thị trường này trong 2018 tới nay tăng gần 25% so với giai đoạn các năm trước
“Với tình hình nhiều biến động như hiện nay, nếu lựa chọn đầu tư trong 3 tháng ở thời điểm hiện tại với cổ phiếu Apple hay quyền chọn cổ phiếu này, một số nhà đầu tư sẽ có xu hướng rót vốn vào quyền chọn hơn”, ông Thông lấy ví dụ. Nguyên nhân là với các doanh nghiệp lớn có giá cổ phiếu lớn (vốn hóa lớn), quyền chọn tương tự chứng quyền mang lại cho nhà đầu tư khả năng dùng đòn bẩy cao hơn cổ phiếu, qua đó mang lại lợi nhuận lớn hơn. Ngoài ra việc lỗ giới hạn cũng giúp cho việc đầu tư trở nên ít rủi ro hơn tại thời điểm có nhiều biến động kinh tế/chính trị trên toàn thế giới.
Vì thế, chứng quyền luôn là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư ở những thời điểm thị trường có nhiều tác động hoặc không ổn định.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: HoSE.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là lựa chọn tốt cho CW tại Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, 24 cổ phiếu cơ sở thuộc nhóm VN30, giá trị vốn hoá trong 5 tháng gần nhất đạt 5.000 tỷ đồng, đủ điều kiện để phát hành chứng quyền theo tiêu chí của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Cổ phiếu của công ty vốn hóa lớn thường có thanh khoản và lượng free- float lớn. Đây là một trong những yếu tố giúp các tổ chức phát hành chứng quyền tự tin để thực hiện chào bán. Bởi nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro của công ty chứng khoán đòi hỏi cần mua vào và bán ra cổ phiếu cơ sở trong suốt quá trình chứng quyền giao dịch. Bên cạnh đó, hoạt động này đối với cổ phiếu của các công ty vốn hóa lớn cũng sẽ ít tác động đến diễn biến giá trên thị trường.
Dù vậy, điều quan trọng khác khi lựa chọn chứng khoán cơ sở để phát hành chứng quyền của tổ chức chào bán là tiềm năng doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường. Theo Giám đốc Phái sinh
SSI thì “không ai muốn phát hành chứng quyền mà không bán được cả”. Về phương diện nhà đầu tư, ông cho rằng việc mua chứng quyền của các doanh nghiệp vốn hóa lớn cũng phần nào khiến nhà đầu tư “yên tâm hơn” do biến động giá không quá cao và ổn định về xu hướng. “Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vốn hóa trên 2 tỷ
USD hầu như ít khi giảm sàn trừ những lần thị trường 'crash', giảm đồng loạt vì yếu tố bất thường”, ông Thông nói.
CW tại Việt Nam tuy là sản phẩm mới, quy mô nhỏ nhưng phần nào đang khẳng định dần khả năng sinh lời cho nhà đầu tư. Các mã CW phát hành dựa trên chứng khoán cơ sở những ngày vừa qua có mức tăng giá khá ấn tượng. Tính đến phiên 15/8, phần lớn các CW trên thị trường đều tăng so với giá phát hành. Đơn cử, 3 mã trên cổ phiếu
FPT trong đó có 2 mã cho
SSI phát hành tăng 88-115%, chứng quyền trên cổ phiếu
MWG cũng đồng loạt tăng 146-300%. Các mã còn lại trên cổ phiếu
MBB,
PNJ đều tăng 41-85%...
SSI cũng đang lấy ý kiến khách hàng về một số cổ phiếu để phát hành chứng quyền như
VJC (Vietjet),
VHM (Vinhomes),
REE (Cơ điện lạnh),
VIC (Vingroup),
VNM (Vinamilk)… Đây đều là những cổ phiếu có vốn hoá lớn. Trong những tháng qua,
VIC có diễn biến tăng giá khá bất ngờ và đây hoàn toàn có thể là một lựa chọn để phát hành chứng quyền có bảo đảm.
Dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM ghi nhận đến cuối phiên 15/8, danh sách nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đứng đầu là
VIC với 404.858 tỷ đồng,
VCB 293.001 tỷ đồng theo sau là
VHM 281.359 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo có thể điểm tới là
VNM,
GAS,
SAB,
BID,
MSN,
VRE và
PLX. Tổng vốn hóa nhóm này hơn 1,9 triệu tỷ đồng và chiếm 58% toàn thị trường cổ phiếu.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.