Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,3% trong phiên 16/9. Phần lớn thị trường chứng khoán trong khu vực giảm điểm, trong đó chứng khoán Trung Quốc diễn biến trái chiều vì số liệu kinh tế yếu ớt.
Giảm mạnh nhất khu vực là thị trường chứng khoán Hong Kong với Hang Seng mất gần 230 điểm, tương đương giảm 0,8%. Ngoài yếu tố bất ổn chính trị, giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng sau khi Sở giao dịch Chứng khoán London từ chối thương vụ mua lại với Sở giao dịch Hong Kong.
Chứng khoán Trung Quốc diễn biến trái chiều, với Shanghai Composite giảm 0,02%và Shenzhen Composite tăng 0,2%. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu với tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt 4,4% trong tháng 8, mức thấp nhất 17 năm rưỡi.
Hôm nay, quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với khối ngân hàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Với động thái này, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ được "bơm" 113 tỷ USD.
Tại Nam Á, ASX 200 đảo chiều và tăng chưa tới 0,1% về cuối phiên. Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 0,6%. Ngoài ra, NZX 50 giảm 0,3% và Straits Times giảm 0,2%.
Cuối tuần trước, 2 nhà máy lọc dầu của Arab Saudi, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, bị máy bay không người lái tấn công, khiến nước này tổn thất gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, và nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm 5%. Vụ tấn công này làm gia tăng lo ngại của giới đầu tư về tình hình địa chính trị tại Trung Đông cũng như quan hệ ngày càng đi xuống giữa Iran và Mỹ. Kết quả, giới đầu tư quay lưng với tài sản rủi ro và chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn, với giá vàng tăng 1% trong đầu phiên.
"Nếu hứng thú đầu tư vào tài sản rủi ro sụp đổ do tâm lý lo ngại căng thẳng tại Trung Đông đi xuống, một số thị trường mới nổi có thể chịu áp lực giảm gấp đôi. Tại châu Á, các đồng tiền nhạy cảm nhất là rupee của Ấn Độ, rupiah của Indonesia và peso của Philippines", theo ông Mitul Kotecha, chiến lược gia cấp cao tại TD Securities.
Tuy nhiên, các chiến lược gia tại Commonwealth Bank of Australia cho rằng đà tăng của giá dầu sẽ không kéo dài vì nguồn cung dầu trên toàn cầu đang dồi dào trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Vì vậy, tác động của vụ tấn công vào ngành năng lượng của Arab Saudi lên giá dầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu không quá lớn và kéo dài.