Bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, minh bạch thị trường là mong muốn đúng đắn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng nghị định cần phải tính đến các yếu tố đặc thù của lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như ngành ngân hàng.
'Tước' quyền tự quyết room ngoại của DN: Bỏ qua tính đặc thù của ngành ngân hàng, thiệt hại ai gánh
chịu?
“Ngân hàng phải có quyền định đoạt về room vốn ngoại, được chọn lựa nhà đầu tư chiến lược. Dự thảo Nghị định sẽ làm mất đi quyền đó của ngân hàng mà chỉ quan tâm đến nhà đầu tư lướt sóng thị trường, gây bất ổn cho những nhà đầu tư chiến lược và cho cả ngân hàng. Điều này không hề ổn”, ông nhấn mạnh.
Cần đánh giá kỹ tác động tiêu cực trước khi ban hành
Việc bỏ quyền tự quyết định room ngoại, đối với một doanh nghiệp đơn thuần có thể không gây vấn đề lớn, nhưng đối với lĩnh vực ngân hàng lại có thể gây ra hệ lụy khôn lường. Bởi, ngân hàng là lực lượng mà thông qua đó NHNN điều tiết chính sách tiền tệ quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, bất cứ thay đổi nào đối với ngành này cũng cần đánh giá kỹ tác động tiêu cực trước khi ban hành.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, dự thảo Nghị định mà Ủy ban Chứng khoán đang chủ trì soạn thảo chưa tính tới yếu tố đặc thù, đang gộp ngành ngân hàng chúng các ngành khác. Điều này là không hợp lý, bởi ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, là mạch máu của nền kinh tế, là công cụ để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo các chuyên gia, điểm khác biệt lớn nhất của ngân hàng so với các doanh nghiệp khác – kể cả fintech- là ngân hàng được phép huy động vốn nội địa. Thế nhưng, việc ngân hàng mất quyền định đoạt về room có thể là kẽ hở để vốn ngoại thâu tóm ngân hàng, khi đó, nguy cơ xảy ra là nguồn vốn huy động trong nước có thể bị tác động để “đẩy ra nước ngoài”, đây là nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ kiên quyết chỉ mở tối đa 30% room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong số 30% đó, việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nào lại phải được cơ quan quản lý đồng ý mới được thông qua. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý dè chừng với room vốn ngoại của ngân hàng như vậy, việc dự thảo mới của Bộ Tài chính đánh đồng ngân hàng cũng như tất cả loại hình kinh doanh khác là không phù hợp.
“Phủ định” nội dung của quy định cũ?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất của một công ty cổ phần, được quyết định nhiều nội dung liên quan đến vận mệnh của doanh nghiệp, trong đó có thẩm quyền quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần từng loại được quyền chào bán. Luật Chứng khoán cũng không hề có quy định nào về tước đoạt quyền tự quyết room của doanh nghiệp.
Thế nhưng, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán lại bãi bỏ quyền lợi này của doanh nghiệp, đảo ngược hoàn toàn quy định trong Nghị định hiện hành.
Ts. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, nguyên tắc của Nghị định bao giờ cũng là cụ thể hóa các điều luật cần Chính phủ quy định chi tiết, chứ không phải để phủ định hết nội dung của quy định cũ.
“Chúng ta biết luật pháp bao giờ cũng có – tạm gọi - là “tính bảo thủ” nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định, chỉ thay đổi khi thật cần thiết, nếu các quy định cũ cản trở sự phát triển. Việc đưa ra các quy định phủ hận quy định cũ, tạo bất ổn cho nền kinh tế cần hết sức tránh. Trong quan hệ kinh tế, doanh nghiệp cần nhất là tính ổn định của pháp luật. Pháp luật mà bất ổn thì doanh nghiệp không dám làm ăn gì cả”, ông Trần Du Lịch nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế đang tồn tại tình trạng nhiều luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Điều này rất đáng lo, nhất là trong điều kiện rất kinh tế đang rất cần sự ổn định.
Tán thành ý kiến này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cũng cho rằng, ngân hàng lên sàn hiện nay vừa phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ Luật Chứng khoán, vừa phải tuân theo luật chuyên ngành.
“Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán phải liên thông với nhau, vừa đảm bảo quyền tài sản của doanh nghiệp, vừa bảo đảm quyền tài sản của cổ đông. Có nghĩa là, phải cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ với quyền lợi của cổ đông lớn, quyền lợi của doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định của Bộ tài chính đang thiên về bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ mà coi nhẹ quyền lợi cổ đông nhà nước, quyền lợi của doanh nghiệp. Chúng ta quên mất rằng, doanh nghiệp được lợi thì tất cả cổ đông – dù lớn hay nhỏ đều được lợi và ngược lại”, ông Kiên cảnh báo.
Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam: Dự thảo nghị định Luật Chứng khoán “cần quy định như hiện hành”
Dự thảo nghị định cần bổ sung lại cụm từ "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác", như nêu tại nghị định 60 năm 2015. Bởi đối với các công ty đại chúng đặc thù như ngành ngân hàng, tài chính, dược phẩm... mà nhà nước cần kiểm soát thì các quy định pháp luật chỉ đưa ra các tỉ lệ nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, các doanh nghiệp đặc thù có quyền quyết định một tỉ lệ khác nằm trong tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài do nhà nước quy định cho ngành nghề đó.Việc không quy định Đại hội đồng cổ đông của công ty đại chúng được quyền quyết định tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của cổ đông nước ngoài trên cơ sở tỷ lệ tối đa dẫn tới việc các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ tự do mua bán (trading) ngắn hạn cổ phần của doanh nghiệp này trên thị trường, làm mất đi mục tiêu lớn của các doanh nghiệp đặc biệt này khi sử dụng công cụ tỷ lệ sở hữu nước ngoài để tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược tham gia vào quản trị doanh nghiệp, hợp tác phát triển doanh nghiệp và huy động được nguồn vốn đầu tư cũng như thặng dư vốn cao hơn cho doanh nghiệp nhằm thực thi các chính sách chiến lược phát triển lâu dài của ngành, lĩnh vực và của nhà nước.