Trước khi bước vào giai đoạn 2016-2020, khối NHTMCP tư nhân từng có tình trạng vốn chủ sở hữu thấp hơn cả vốn điều lệ. Ảnh minh họa: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước/Reuters
Năm cuối của giai đoạn 2016-2020, thị trường đang chứng kiến những thay đổi cụ thể, cục bộ nhưng trên nền vận động tổng thể của hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Như tại thời điểm này, cổ đông Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) hẳn đã có tâm trạng tốt hơn khi giá cổ phiếu LPB vượt trên mệnh giá. Trước đó, tương tự, cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng tạo quãng bứt phá ấn tượng nhất 5 năm qua.
Hay từ chốt sổ quý I, rồi quý II vừa qua, nguồn vốn rẻ với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại NHTM nhà nước có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, ở khối tư nhân vốn không có những lợi thế đặc quyền như khối quốc doanh, Techcombank vượt hẳn về vị thế CASA.
Từ những chuyển động nhỏ và riêng lẻ đó đến bức tranh chung: có nhiều thay đổi trong giai đoạn 2016-2020, mà điểm đến là lợi thế đã và đang nghiêng về khối NHTM tư nhân.
Những dữ liệu cập nhật mới nhất củng cố thêm khẳng định trên.
NGÂN HÀNG QUỐC DOANH CHÙNG THEO “MÔ HÌNH CỨNG”
Ở trường hợp trên, như BizLIVE cập nhật các kỳ báo cáo tài chính gần đây, CASA ở khối NHTM nhà nước, có sở hữu nhà nước chi phối (gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, hay thường gọi là “Big 4”) có xu hướng sụt giảm.
Một phần nguyên do, năm 2020 đã khác biệt với những giai đoạn trước: tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước đã chuyển khỏi “Big 4” về để tại Ngân hàng Nhà nước. Lợi thế lớn này hụt đi và nhanh chóng phản ánh trong tương quan với khối NHTM tư nhân, hoặc nhóm nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Điển hình như CASA của Techcombank, MB… đã vượt lên đáng chú ý các kỳ gần đây.
CASA là một điển hình lợi thế, “đặc quyền” riêng có của khối NHTM nhà nước trước đây bởi những nguồn tiền gửi lớn. Đi cùng, họ có gần gũi trong tương tác kinh doanh với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khi có ưu tiên nhất định trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ nội khối doanh nghiệp Trung ương…
Và hơn hết, khối NHTM nhà nước có yếu tố lịch sử, bề dày gấp đôi tới gấp ba NHTM tư nhân.
Theo đó, suốt chiều dài hàng chục năm qua, thị phần khối NHTM nhà nước luôn lớn hơn, vượt trội so với khối NHTM tư nhân. Cụ thể như ở chỉ tiêu tổng tài sản - được xem như GDP và là thước đo thị phần của mỗi NHTM, luôn có chênh lệch lớn.
Một chênh lệch lớn, trở nên đáng chú ý thể hiện ở chỗ: cùng gánh trên 5 triệu tỷ đồng tổng tài sản nhưng vốn điều lệ khối “Big 4” thấp hơn rất nhiều so với khối NHTMCP tư nhân.
Tuy nhiên, như BizLIVE cập nhật vừa qua, tháng 7/2020 lần đầu tiên ghi nhận quy mô tổng tài sản khối NHTMCP tư nhân chính thức vượt khối NHTM nhà nước.
Cập nhật mới nhất, đến tháng 8/2020, tổng tài sản của “Big 4” chỉ còn chiếm 41,3% thị phần toàn hệ thống, ứng với 5,334 triệu tỷ đồng; trong khi khối NHTMCP tư nhân tiếp tục vượt lên khi chiếm 42,3% thị phần tổng tài sản toàn hệ thống, ứng với 5,467 triệu tỷ đồng.
Một chênh lệch rất lớn, trở nên đáng chú ý thể hiện ở chỗ, cùng gánh trên 5 triệu tỷ đồng tổng tài sản nhưng khối “Big 4” chỉ có 145,2 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ, trong khi khối NHTMCP tư nhân vượt trội hơn khi có 290,1 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại cả giai đoạn, vốn điều lệ của khối “Big 4” NHTM nhà nước đến nay chỉ tăng được 6,3% so với cuối 2016, thì khối NHTMCP tư nhân tăng được tới 44,4%.
Sự chênh lệch quá lớn về tốc độ nói trên cũng góp phần khẳng định lợi thế hiện đã nghiêng hẳn về khối NHTMCP tư nhân. Ở đây liên quan đến mô hình.
Sau khi cổ phần hóa, các NHTM nhà nước đang mắc kẹt với sở hữu nhà nước cùng nút thắt ngân sách trong tăng vốn. Trong khi đó, khối NHTMCP tư nhân nắm lợi thế mô hình đại chúng linh hoạt hơn, khả năng tăng vốn tốt hơn như tốc độ thể hiện nói trên và sau một quá trình họ cụ thể hóa bằng gia tăng thị phần và tổng tài sản.
LỢI THẾ SẼ CÒN KÉO DÀI
Trong lịch sử NHTM Việt Nam, tháng 01/2013 đánh dấu một mốc dữ liệu của giai đoạn khó khăn và bất ổn. Đó là hệ thống bắt đầu ghi nhận một tình trạng ở khối NHTMCP tư nhân: tổng quy mô vốn tự có thấp hơn tổng quy mô vốn điều lệ.
Vốn tự có - “Mẹ”, bao gồm vốn điều lệ - “Con” và các quỹ. Thế nhưng, như trên, từ tháng 01/2013, tình trạng “Mẹ” bé hơn “Con” bắt đầu thể hiện kéo dài, cho đến tháng 9/2013 mới tạm cân bằng (theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước). Quãng thời gian đó phản ánh cân đối khó khăn, khi có những NHTMCP tư nhân lỗ âm vào vốn.
Như trên, tổng tài sản - thị phần phải đứng trên nền vốn. Nền lún, khó tăng thị phần và khoảng cách với khối NHTM nhà nước càng doãng rộng. Đây cũng là bối cảnh của hệ thống trước khi bước vào giai đoạn 2016-2020, nhưng như vậy để cho thấy sức bật của khối NHTMCP tư nhân 5 năm qua mạnh mẽ như thế nào.
Thay đổi tương quan giữa hai khối vẫn phụ thuộc vào cơ chế. Đó là gỡ nút thắt ngân sách tham gia đầu tư vào các NHTM, hoặc gián tiếp qua chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu. Mà tại Việt Nam, liên quan đến cơ chế thì thường mất nhiều thời gian...
Trong 5 năm đó, sau khi cơ bản khắc phục tình trạng trên, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, nhiều thành viên khối NHTMCP tư nhân nhanh chóng nắm cơ hội để tăng tốc. Một loạt thương vụ bán vốn cho nước ngoài diễn ra, với HDBank, Techcombank, TPBank, VPBank… cùng nguồn thặng dư lớn được tích lũy.
Mức độ tăng vốn điều lệ lên tới 44,4% tại tháng 8/2020 so với cuối 2016 phản ánh sức bật nhanh và mạnh của khối NHTMCP tư nhân. Tiếc rằng, trong giai đoạn này, khối đã tạm vắng lực đẩy mạnh mẽ trước đây từ bộ ba Sacombank, Eximbank và DongA Bank.
Tăng được vốn mạnh, vươn lên vượt thị phần tổng tài sản, trước mắt, từ nay đến chốt giai đoạn 2016-2020, cũng như sang năm 2021, dự tính khối NHTMCP tư nhân sẽ tiếp tục là lực đẩy chính của hệ thống, cũng như với nền kinh tế. Bởi họ có nguồn lực và dư địa để đẩy mạnh tín dụng hơn so với khối NHTM nhà nước.
Báo cáo ngày 23/9 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước cũng gián tiếp đề cập đến dự tính trên, khi viết: “Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tất cả tổ chức tín dụng có yêu cầu và có khả năng mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, một số NHTM nhà nước có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sát ngưỡng quy định, nên mặc dù nguồn vốn huy động còn khá dồi dào, song dư địa để đẩy mạnh mở rộng tín dụng bị hạn chế”.
Khối NHTM nhà nước bị hạn chế, CAR sát ngưỡng quy định vì không linh hoạt tăng được vốn. Theo đó, lợi thế vẫn đang tiếp tục nghiêng về khối NHTMCP tư nhân; cơ hội để khối này tiếp tục gia tăng thị phần, cụ thể hơn với những thành viên tăng được quy mô vốn.
Về lâu dài, thay đổi tương quan giữa hai khối vẫn phụ thuộc vào cơ chế. Đó là gỡ nút thắt ngân sách tham gia đầu tư vào các NHTM, hoặc gián tiếp qua chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu. Mà tại Việt Nam, liên quan đến cơ chế thì thường mất nhiều thời gian; hay nói cách khác, lợi thế và cơ hội nghiêng về khối NHTMCP tư nhân có thể còn kéo dài.