Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức 3% vào năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi cuối năm 2019 chỉ 1,9%.
Lợi nhuận ngân hàng giảm do phải tăng trích lập, tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu tín dụng giảm và thực hiện các biện pháp miễn, giảm lãi.
Tại tọa đàm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, kết quả và khuyến nghị chính sách sáng nay (30/9), chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết dịch Covid-19 có 5 tác động chính đến ngành ngân hàng. Thứ nhất, dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn thu hẹp. Điều này khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Đến 22/9, tín dụng tăng 5,22% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước tăng hơn 8,4%. Ông Lực nhận định cả năm nay tín dụng sẽ tăng 8-9% và năm 2021, con số này có thể là 9-10%.
Tác động thứ hai được đề cập là chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi, nợ xấu sẽ tăng. Viện nghiên cứu BIDV ước tính nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn hơn.
Theo ông Lực, những yếu tố trên sẽ dẫn tới tác động thứ ba, lợi nhuận ngành ngân hàng giảm. Khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, bên cạnh các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam sẽ giảm 20-25% trong năm 2020, tương đương các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch bệnh cũng khiến ngân hàng và khách hàng thay đổi chiến lược và hành vi tiêu dùng, một trong số đó là sự chuyển đổi số. Theo ông Lực, ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm, riêng thanh toán di động tăng 180%.
Mặt khác, hành vi, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi khiến các ngân hàng phải thiết kế lại sản phẩm dịch vụ để phù hợp trong bối cảnh mới.