196 cổ phiếu hiện thị giá dưới 3.000 đồng/cp.
Hiện tại chỉ có 88 doanh nghiệp trong số này công bố BCTC quý III, trong đó có 56 doanh nghiệp báo lỗ
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đến 196 cổ phiếu có thị giá không bằng một cốc trà đá (3.000 đồng/cp). Rất nhiều các doanh nghiệp trong số này có phần lớn cổ phiếu thuộc sở hữu một cá nhân hay tổ chức nên thanh khoản ở mức thấp, thậm chí không có giao dịch. Chính vì giá không biến động, thanh khoản "nhỏ giọt", sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư của các cổ phiếu này là thấp và thường được gọi cổ phiếu “bị lãng quên”.
Một số cổ phiếu thị giá thấp có thanh khoản nhưng tình hình hoạt động kinh doanh kém khả quan, thậm chí thua lỗ triền miên. Trong số 196 cổ phiếu nói trên, 88 doanh nghiệp công bố BCTC quý III, trong đó có 56 doanh nghiệp báo lỗ.
Cổ phiếu
DLG của Đức Long Gia Lai (HoSE:
DLG) có thị giá chỉ 1.320 đồng/cp. Quý III, doanh thu thuần đạt 478 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ và tiếp tục báo lỗ 253 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn báo lãi 46,7 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu của việc lỗ nặng do chi phí doanh nghiệp tăng vọt từ 45,8 tỷ đồng lên 260,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi. Lũy kế 9 tháng, mức lỗ lên đến 549 tỷ đồng.
Bên cạnh Đức Long Gia Lai, cổ phiếu
HUT của Xây dựng Tasco (HNX:
HUT) đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 6/2009 với 2.400 đồng/cp. Tasco được mệnh danh là “ông trùm
BOT” nhưng kết quả kinh doanh lại đi xuống trong các năm gần đây. Từ mức lãi sau thuế 404 tỷ đồng của năm 2016 chỉ còn 44,7 tỷ đồng ở 2019. Quý III năm nay, doanh thu thuần đạt 192 tỷ đồng, giảm 25,6% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm tới gần 99% doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp chỉ còn gần 2 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 52 tỷ đồng trong quý III/2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 79 tỷ đồng - mức lỗ cao nhất theo quý. Lũy kế 9 tháng, mức lỗ là 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế theo quý của HUT. Đơn vị: Tỷ đồng.
Cổ phiếu
VST của Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM:
VST) là đại diện cho các cổ phiếu thị giá thấp, kết quả kinh doanh "bết bát”, thanh khoản rất thấp. Cổ phiếu
VST chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần do bị hạn chế giao dịch, thị giá chỉ là 400 đồng/cp. Quý có lãi gần nhất của doanh nghiệp vận tải biển này là quý IV/2011 với 40,4 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9 đã lên đến 2.283 tỷ đồng trên vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế theo quý của VST. Đơn vị: Tỷ đồng.
Cổ phiếu
FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Đức Quân Fortex, HoSE:
FTM) lao dốc sau “lùm xùm” với một số công ty chứng khoán liên quan đến việc cho vay margin khiến cổ phiếu giảm sàn 30 phiên liên tiếp. Đức Quân Fortex đã có 7 quý liên tiếp báo lỗ.
Những doanh nghiệp hiếm hoi báo lãi với con số vài tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Trường hợp hiếm hoi, Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (HNX:
APS) là doanh nghiệp có mức lãi cao nhất nhờ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán. Riêng quý III,
APS báo lãi 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 13 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lãi gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến hơn 32 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý III của 88 doanh nghiệp có cổ phiếu thị giá dưới 3.000 đồng/cp. Đơn vị: tỷ đồng.