Dù chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục và cổ phiếu bất sản vẫn có dư địa tăng trưởng.
Ông Sử Ngọc Khương (bên phải) và ông Trương Hiền Phương.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc kiểm soát dịch Covid kém hiệu quả tại nhiều quốc gia đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cả thế giới đang ở mức âm. Những yếu tố quốc tế này đã tác động rất tiêu cực đến nhu cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam, bởi các khối liên quan đến sản xuất dịch vụ, đặc biệt là những ngành hàng được xem là thế mạnh và được xuất sang các nước châu Âu.
Tuy nhiên, ông Khương nêu, Chính phủ Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh này. Đây chính là một điểm sáng cho thị trường Việt Nam so với các nước cũng đang thực hiện việc kiểm soát dịch tốt nhất trên thế giới.
Một điểm sáng tiếp theo cho thị trường Việt Nam chính là việc Chính phủ có thể ổn định được mục tiêu kép, đó là vừa đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa dịch, vừa đảm bảo được sự tăng trưởng của GDP luôn dương thay vì âm như các nước khác. Mặc dù, trong vòng 10 năm trở lại đây, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng kinh tế của chúng ta khoảng 6 - 6,8%. Nhưng với tình hình như hiện tại thì những gì chúng ta đang đạt được là rất tốt.
Chuyên gia này cho biết, thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án là khó, trong khi đó việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp gia tăng, tiền lương và thu nhập giảm là bài toán nan giải.
“Phân khúc bất động sản thương mại với vòng quay vốn mất từ 10-15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình”, TS. Sử Ngọc Khương đánh giá.
Theo ông Khương, một điểm sáng của thị trường bất động sản Việt hiện nay chính là bất động sản công nghiệp. Vị này cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ nói đến một phần nào đó của phân khúc này mà không khắc hoạ được đầy đủ một bức tranh tổng thể.
Cụ thể, theo chuyên gia này, việc đầu tư quy mô lớn vào các bất động sản công nghiệp ở Việt Nam không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng các chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi... Đây chính là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, đặc biệt sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Đặc biệt hơn, khi cán cân của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc đến các nước lân cận thì Việt Nam được xem là một điểm sáng khi mà cơ sở hạ tầng đang từng bước được thay đổi cùng với các thể chế chính sách đang mở rộng cánh cửa ra để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài
Cuối cùng, chuyên gia này nhắc lại “trong nguy có cơ, trong thách thức có cơ hội”. Bối cảnh đại dịch diễn ra và ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Nhưng bản thân những nhà đầu tư trong nước gồm tổ chức và cá nhân sẽ sẵn sàng đầu tư.
“Thay vì trước đây, họ đầu tư dự trữ vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng, thì bây giờ họ bắt đầu chuyển hoá lượng tiền của họ sang hình thức bất động sản vì đây chính là cơ hội trong thời gian tới”, TS. Sử Ngọc Khương chia sẻ thêm.
Tín hiệu đầu tư cổ phiếu bất động sản
Còn theo đánh giá của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS VN về tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản, kinh tế Việt Nam 2020 được dự báo phục hồi mạnh nhất ASEAN. Sự tăng trưởng từ đầu tư công, tăng cường đầu tư từ Chính phủ, ban ngành dành cho hệ thống giao thông, nhiều dự án sân bay, đường cao tốc… được triển khai nhằm phục vụ giúp cho đời sống người dân; khả năng mở rộng về khu dân cư giúp cho các công ty bất động sản có điều kiện phát triển sản phẩm, tiếp tục tăng trưởng.
Ông Phương nhận định: “Tôi tin rằng cơ chế tăng cường đầu tư như trên thì cơ hội tiếp tục mở ra cho doanh nghiệp bất động sản”
Lãi suất huy động ngân hàng hiện ở mức thấp trong vòng 10 năm, gần như kỳ vọng lợi nhuận khi gửi tiết kiệm không đáp ứng vì huy động 5-6%. Tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư có khuynh hướng đầu tư bất động sản sẽ chọn hướng đầu tư khác. Với lãi suất thấp, nhu cầu dòng tiền tiếp tục đổ vào lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản hơn là tiết kiệm.
Trên góc độ doanh nghiệp bất động sản, với lãi suất hạ thì chi phí tài chính giảm, biên lợi nhuận ngành được hỗ trợ, điểm lợi giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Với lãi suất thấp nhà đầu tư có khuynh hướng năng động bắt đầu cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính với phi phí rẻ hơn để tái đầu tư.
“Tôi nghĩ đầu tư bất động sản sẽ sớm được kích hoạt. Đặc biệt với thông tin vacxin Covid-19 được công bố ra tích cực. Đây là thông tin kích cầu cho ngành bất động sản, bên cạnh kỳ vọng sự đổi pháp lý để tháo gỡ vướng mắc nguồn cung bất động sản”, ông Phương cho biết.
Đề cập tới các lý do chính khiến cổ phiếu bất động sản hấp dẫn trong tương lai, chuyên gia KIS VN cho rằng, sức cầu lẫn cung bất động sản sẽ tăng trưởng sau thời gian bị sụt giảm. Rõ ràng tâm lý về dịch bệnh dần qua đi, kể cả doanh nghiệp bất động sản cũng tích cực gia tăng nguồn cung ra thị trường. Bên cầu là những nhà đầu tư tích cực tham gia, những người nhìn nhận cơ hội đầu tư ở phía trước. Chuyên gia này cho rằng nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ tăng trưởng như thời kỳ trước khi Covid-19.
Đứng trên góc độ nhà tài chính, chỉ tiêu nói lên tính hấp dẫn doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, doanh thu của 2020 so với cùng kỳ sụt giảm nhưng với tình hình dịch bệnh toàn cầu thì việc này là hiển nhiên, không chỉ riêng bất động sản mà là tất cả các ngành khác bị ảnh hưởng.
Các nhà đầu tư khi có nguồn vốn thì họ đi tìm cơ hội đầu tư, có thể trong khó khăn chưa đầu tư và dịch chuyển qua chứng khoán nhưng khi ổn định thì dòng vốn lan tỏa sang bất động sản.
Kể cả cùng kỳ so với trước sụt thì lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản vẫn có, hoàn toàn không bị lỗ, chỉ có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không cao, không so sánh được với những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, khi dịch qua đi thì tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận sẽ cao lên nhiều.
“Chỉ số P/E toàn ngành tương đối cao, khoảng 12-14 lần, trong khi P/E cổ phiếu ngành bất động sản thấp hơn nhiều, dư địa tăng trong tương lai, tín hiệu tốt để thấy là cơ hội đầu tư ngành bất động sản hiện nay”, ông Phương nhận định.