Suốt 5 năm qua, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank thường gắn với ràng buộc mà có những lúc trở nên khó gỡ.
Diễn biến giá cổ phiếu VCB một năm qua
Kết thúc tuần này, chỉ số VN-Index vươn lên chẵn 990 điểm. Nhưng, bước tăng từ khi vượt đỉnh 970 lên 990 không hẳn thuận lợi, xét về sự hậu thuẫn của đa số cổ phiếu lớn.
Ngược lại, như ở rổ VN30, rổ 30 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên HOSE, nhiều mã đứng bên lề, thậm chí giảm ở lần vượt đỉnh này.
VCB cũng tưởng như ngoài cuộc.
Nhưng, hai phiên cuối tuần, giá cổ phiếu
VCB bứt phá, trở thành động lực chính cho VN-Index. Giá cổ phiếu này chỉ còn cách đỉnh một năm qua vài giá, nhưng có lẽ điểm được quan tâm hơn là có mở ra hướng vận động thanh thoát hay không?
Câu hỏi trên gắn với đặc điểm của
VCB nhiều năm qua, thường gắn với những ràng buộc, dù những ràng buộc này ảnh hưởng đến giá hay không hoặc như thế nào lại là vấn đề khác.
LỊCH SỬ RÀNG BUỘC
Tháng 6/2008, Vietcombank cổ phần hóa xong và bắt đầu hoạt động theo mô hình NHTMCP. Đúng một năm sau, cổ phiếu
VCB chào sàn HOSE. Kể từ đó, diễn biến giá cổ phiếu nhiều lần được chú ý không phải ở khía cạnh đầu tư.
Đó là những lần bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, qua phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ.
Dù đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm sở hữu chi phối; Vietcombank vẫn thuộc khối doanh nghiệp Trung ương. Cơ chế bán vốn phải tuân thủ quy định chặt chẽ. Điển hình như các đợt phát hành vừa qua, giá bán không được thấp hơn bình quân giá đóng cửa số phiên giao dịch trên sàn…
Cơ chế đó từng là ràng buộc chính yếu. Nổi bật ở thương vụ năm 2016, bán vốn cho quỹ GIC của Singapore.
Khi đó, Vietcombank cùng nhà tư vấn Credit Suisse đã mất cả năm trời, trả lời hơn 500 câu hỏi của nhà đầu tư gửi về để có thể triển khai kế hoạch bán vốn. Cuối cùng, ngày 29/8/2016, thỏa thuận ghi nhớ bán 7,73% cổ phần cho GIC được ký.
Nhưng, thỏa thuận trên không thể hoàn tất sau đó. Bởi ràng buộc của cơ chế và thực tế.
Thời điểm đó, giá chào bán hai bên lường thuận được thị trường thảo luận ở khoảng 39.000 đồng/cổ phiếu. Còn trên sàn, cao điểm khi đó giá từng ghi nhận tới trên 57.000 đồng. Dù việc xác định cao thấp phải tính tại lúc ký bán chính thức, nhưng chênh lệch lớn như vậy định hình quan ngại tài sản Nhà nước có thể bị bán rẻ.
Thế rồi phải hơn hai năm sau đó, thương vụ đầu tư của GIC vào Vietcombank mới chính thức hiện thực.
Giá sát trên sàn, 55.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, GIC không mua hết như dự kiến tỷ lệ 7,7% vốn điều lệ trước đó, mà chỉ 2,55%.
Lễ ký thỏa thuận ghi nhớ bán cổ phần giữa Vietcombank với GIC ngày 29/8/2016
VỊ THẾ ĐÃ KHÁC
Trong thương vụ trên, tại thời điểm đó, Vietcombank ở thế không nhiều thuận lợi trong đàm phán.
Thứ nhất, như các NHTM nhà nước khác, ngân sách nhà nước không rót thêm để tăng vốn. Đó cũng là thời điểm bắt đầu nổi lên câu chuyện căng thẳng và kéo dài về việc khối ngân hàng này cần được cơ chế trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Nhưng cả 5 năm sau đó vẫn chưa thể làm.
Thứ hai, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Vietcombank giai đoạn đó bấp bênh, thậm chí có những thời điểm mấp mé dưới chuẩn. Áp lực phải tăng được vốn khiến nhu cầu muốn bán trở nên cần phải bán. Khi cần phải bán được vốn thì vị thế đàm phán có thể bị hạn chế.
Như trên, ở thương vụ xúc tiến từ năm 2016, Vietcombank đã không bán hết 10% vốn dự kiến. Kế hoạch tiếp tục chuyển sang năm 2019, 2020… Tuy nhiên cho đến nay bước nối tiếp chưa cụ thể hóa.
Có một lý do, ngân hàng này khó bán vốn vì giá cổ phiếu trên sàn liên tục tăng cao. Lãnh đạo
Vietcombank từng chia sẻ bên lề rằng, giá tăng như vậy là một trở ngại. Giai đoạn đó giá
VCB từng ghi nhận 8x đến 9x, thậm chí gợi mở hướng lần đầu tiên kể từ sau ảnh hưởng khủng hoảng tài chính 2008 trên sàn niêm yết có cổ phiếu ngân hàng củng cố được tầm 1xx (ngoại trừ TCB của Techcombank khi chào sàn với 128.000 đồng, rồi nhanh chóng chia tách sau đó).
Nối sang năm nay, giá
VCB duy trì ở mức cao, phổ biến trên 8x và hiện đã trên 9x. Điều này có thể trở thành “rào cản” nếu Vietcombank tiếp tục bán vốn, với ràng buộc cơ chế nói trên.
Tuy nhiên, tình thế và vị thế của Vietcombank nay đã khác.
Chính phủ đã chính thức sửa quy định, trong đó mở hướng ngân sách được đầu tư vào các NHTM nhà nước (gián tiếp qua khả năng cho chia cổ tức bằng cổ phiếu). Không chỉ Vietcombank, cả VietinBank và BIDV đều đứng trước cơ hội này.
Những thành viên trên đều có nguồn lợi nhuận giữ lại chưa chia quy mô lớn, tích tụ nhiều năm qua. Nay, cơ chế đã mở, họ không nhất thiết phải bán được vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn điều lệ như tình thế trước đây. Vị thế theo đó cũng thay đổi nếu tiến hành bán vốn.
Với Vietcombank, trao đổi với báo chí gần đây, một lãnh đạo cấp cao cũng gợi mở, sau khi Chính phủ có tháo gỡ, ngân hàng dự kiến sẽ tiến hành trả cổ tức, trong đó có một phần tiền mặt nhưng có phần bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại những năm qua.
Theo hướng đó, vốn điều lệ và các chỉ số an toàn liên quan dự kiến sẽ được chủ động và tự lực nâng lên mà không nhất thiết phải tìm và chào bán cho được cho nhà đầu tư nước ngoài. Mà liên quan, giá cổ phiếu
VCB trên sàn không còn là ràng buộc tham chiếu về cơ chế, khi không nhất thiết thực hiện bán vốn.
Hoặc ở một hướng khác, nếu nhà đầu tư nước ngoài thực sự có nhu cầu, ở vị thế muốn mua, họ sẽ cần bám theo diễn biến giá cổ phiếu trên sàn.