Ngoài dự án Hado Charm Villas rầm rộ nhận đặt chỗ, một số dự án khác của Tập đoàn Hà Đô như Hado Green Lane hay Hado Minh Long vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Hà Đô cho thấy, mặc dù nhiều dự án còn đang dang dở, nhưng Công ty đang chuyển hướng sang đầu tư năng lượng.
Nhiều dự án của Hà Đô vẫn còn đang giải phóng mặt bằng nhưng công ty này có kế hoạch đầu tư sang lĩnh vực năng lượng.
Mới đây, một số công ty chứng khoán đã có báo cáo cập nhật tình hình triển khai một số dự án bất động sản (BĐS) của CTCP Tập đoàn Hà Đô (
HDG). Các báo cáo này đã cơ bản phác hoạ nên bức tranh các dự án BĐS mà Hà Đô đang triển khai.
Theo đó, dự án Hado Charm Villas được xây dựng ở xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, có quy mô 528 căn hộ, shophouse, biệt thự đơn lập và song lập. Trong đó, 152 căn hộ đã được bán thành công nhưng dự án đã bị trì hoãn do thủ tục pháp lý kéo dài, cũng như do thị trường BĐS thoái trào từ năm 2009. Sau khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án, Hà Đô đặt mục tiêu tung ra thị trường 376 căn còn lại để bán trong nửa cuối năm 2020.
Hiện nay, dự án này đã hoàn thành 20 biệt thự thô, ngoài ra còn 78 biệt thự đang được xây dựng, sẵn sàng mở bán vào quý IV/2020. Theo ghi nhận của phóng viên, giá bán tại dự án bình quân vào khoảng 7-9 tỷ đồng/căn, tính ra giá từ 60 triệu đồng/m2, nếu bán hết dự kiến sẽ đem lại 3.300 tỷ đồng doanh số ký bán trong giai đoạn 2020-2022.
Tại dự án Hado Centrosa, trong 9 tháng đầu năm, Hà Đô ghi nhận 762 căn hộ đã được bàn giao. Tính đến cuối tháng 10, tổng số căn bàn giao lũy kế đạt 2.000 căn (87% quy mô dự án) và các căn còn lại dự kiến sẽ được bàn giao trong quý IV/2020.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán VDSC, từ năm 2021, đóng góp của Hado Centrosa vào kết quả kinh doanh của Hà Đô sẽ không còn đáng kể khi đã bàn giao gần hết lượng căn hộ. Bên cạnh đó, việc lấp đầy khu thương mại và văn phòng cho thuê tại Hado Centrosa hiện cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới mảng khách sạn và văn phòng cho thuê.
Còn một số dự án như Hado Green Lane hay Hado Minh Long hiện vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị làm móng. Cả hai dự án này dự kiến mở bán trong năm 2021.
Hado Green Lane (Bình An Riverside) được xây dựng tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP. HCM có quy mô hơn 2,3 ha. Dự kiến, số lượng căn hộ mở bán tại đây vào khoảng 1.231 căn.
Đối với Hado Minh Long, dự án nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức có quy mô 60 căn nhà phố, 20 căn shophouse và 920 căn hộ. Dự án từng thuộc sở hữu của CTCP Mua bán nợ Minh Long, sau đó về tay Hà Đô thông qua thương vụ M&A vào cuối năm 2018.
Năm 2020, Hà Đô cho biết sẽ tiếp tục chiến lược phát triển 3 ngành nghề mũi nhọn là BĐS, năng lượng và xây lắp. Riêng với khối BĐS, công ty sẽ tập trung giải quyết các tồn đọng tại các dự án gồm Linh Trung - Thủ Đức, Bình An - quận 8, 162 Phan Đình Giót - Thanh Xuân, Dịch Vọng, An Thượng...
Theo thông tin từ trung tâm dữ liệu của Công ty chứng khoán SSI, CTCP Tập đoàn Hà Đô tiền thân là xí nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng được thành lập năm 1990. Năm 2004, công ty chuyển đổi sang mô hình CTCP.
Sản phẩm chính của công ty bao gồm nhà biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn và xây dựng công trình dân dụng, giao thông. Hà Đô hiện đang sở hữu khoảng 67 ha đất với khoảng 11 dự án đang và sẽ triển khai. Các dự án này tập trung ở những vị trí đẹp của Hà Nội, TP. HCM.
Năm 2019, theo ghi nhận, doanh thu từ mảng kinh doanh BĐS đã chiếm 63,5% tổng doanh thu. Nếu tính cả 2 mảng liên quan là xây dựng và cho thuê văn phòng, khách sạn thì con số này lên đến 86% tổng doanh thu.
Cũng theo SSI, Hà Đô hiện nay dường như đang có chuyển hướng từ mảng kinh doanh BĐS vốn là thế mạnh sang phát triển năng lượng tái tạo. Từ đầu năm đến nay, Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện.
Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty có kế hoạch giải ngân 4.800 tỷ đồng vào 4 nhà máy giai đoạn 2020-2021: Thủy điện Đăk Mi (1.499 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh (630 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời SP Infra (973 tỷ đồng) và Nhà máy điện gió 7A Thuận Nam (1.710 tỷ đồng).