Thay vì phát hành cổ phiếu mới, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ bất chấp giá cao để làm "món quà ESOP" cho người lao động. Nhìn vào bề nổi có thể thấy đây là điều hết sức bình thường, nhưng một số chuyên gia phân tích lại cho rằng đó là "chiêu trò" của doanh nghiệp.
Cổ phiếu ESOP là một khoản thưởng cho nhân viên của doanh nghiệp nhưng khi phát hành mới sẽ khiến cho các cổ đông bị pha loãng đi tỷ lệ sở hữu của mình. Theo đó, nhiều năm gần đây, các doanh nghiệp đã lựa chọn phương án mua cổ phiếu quỹ, sau đó dùng chính lượng cổ phiếu này làm ESOP với giá ưu đãi.
Về mặt lý thuyết, phát hành cổ phiếu ESOP bằng nguồn vốn cổ phiếu quỹ mang về 2 lợi ích: vừa để giữ chân nhân tài, vừa không làm tăng lượng cổ phiếu hiện có, từ đó tránh hiện tượng pha loãng cổ phiếu. Đồng thời, giao dịch mua vào cổ phiếu quỹ thường có tác động tích cực hỗ trợ giá cổ phiếu, lợi ích của cổ đông và cán bộ, công nhân viên phần nào được dung hòa.
Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào cổ phiếu quỹ
Ngày 9/12 vừa qua, HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đã thông qua phương án mua lại 4,9 triệu cổ phiếu trên sàn để làm cổ phiếu quỹ. Nếu các giao dịch được thực hiện trọn vẹn, số cổ phiếu quỹ nắm giữ của Coteccons sẽ được nâng từ 2,96 triệu cổ phiếu như hiện nay lên mức 7,86 triệu cổ phiếu, tương đương 6,18% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu CTD đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, hiện đang giao dịch tại vùng giá 71.000 đồng/cp. Tạm tính tại mức giá này, Coteccons có thể phải chi tới gần 350 tỷ đồng để mua hết lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký.
Việc mua cổ phiếu quỹ để phát hành ESOP giúp doanh nghiệp "một mũi tên trúng nhiều đích"
Mục đích nhằm chuẩn bị nguồn cổ phiếu cho đợt phát hành ESOP tiếp theo và gia tăng lợi ích cổ đông. Nguồn vốn mua lại cổ phiếu được lấy từ thặng dư vốn cổ phần.
Trong những lần "tri ân" người lao động trước đây, doanh nghiệp này thường thực hiện phát hành cổ phiếu mới và bán ưu đãi cho người lao động với mức chỉ bằng khoảng 1/5 thị giá.
Theo kế hoạch, Coteccons dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu quỹ vào quý IV/2020, nghĩa là chỉ còn khoảng 2 tuần nữa để hoàn thành, bao gồm cả thời gian nhận được công văn chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và triển khai mua vào cổ phiếu.
Trước đó, hồi giữa tháng 11, HĐQT Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) đã thực hiện bán 12 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,55% tổng số cổ phần đang lưu hành cho người lao động theo chương trình ESOP, với giá bán 12.000 đồng/cp - thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường của GEX ở thời điểm đó là 20.000 đồng/cp.
Thực tế, Coteccons hay Gelex không phải trường hợp cá biệt trong quyết định này, mà từ ngân hàng có vốn hóa tỷ đô như VPBank (mã: VPB) đến các công ty đầu tư đa ngành hay các nhà sản xuất, văn phòng phẩm (CTCP Tập đoàn Thiên Long, mã: TLG) trước đây đều đã có những động thái tương tự.
Lâu nay, việc phát hành ESOP thường vấp phải sự phản đối từ phía các đông, bởi sẽ khiến thị giá cổ phiếu bị pha loãng. Sau thời gian bị hạn chế giao dịch, lượng cổ phiếu này sẽ được người lao động doanh nghiệp bán ra ồ ạt nhằm "chốt lời" vì thường được mua với giá rẻ hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn.
Do đó, việc sử dụng cổ phiếu quỹ để phát hành ESOP được xem là "một mũi tên trúng hai đích" khi vừa đảm bảo được quyền lợi cho cổ đông, vừa hài lòng được người lao động.
Doanh nghiệp "chơi chiêu"?
Thực chất, xét về yếu tố thu nhập, bên cạnh thu nhập chính từ lương thưởng, số cổ phiếu ESOP có thể nhận về chắc chắn cũng là yếu tố để các nhân viên cân nhắc và quyết định đi hay ở lại một tổ chức, doanh nghiệp nào đó.
Mặt tích cực của chương trình là tạo động lực, sự gắn bó với hoạt động kinh doanh, từ đó phản ánh vào giá trị công ty, tác động tới sự lên xuống giá cổ phiếu.
Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, cùng là khoản thưởng cho nhân viên, tại sao công ty không thưởng thẳng bằng tiền mà phải "lắt léo" như vậy?
Trả lời cho câu hỏi này, một chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân có thể xuất phát từ "thuế thu nhập", bởi thưởng thì sẽ được tính vào thu nhập, nếu thu nhập hàng tỷ đồng/năm, nhân viên phải chịu mức thuế lên tới gần 35% thu nhập.
Đây là một khoản không hề nhỏ bởi những người được nhận ESOP bản thân đã có mức thu nhập tương đối cao. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi việc phân bổ ESOP khá cô đặc tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngân hàng khi tập trung chủ yếu vào các lãnh đạo cấp cao.
Dẫn ví dụ gần đây nhất là chương trình ESOP của Gelex. Doanh nghiệp này đã thông qua danh sách 55 người được mua cổ phiếu quỹ, trong đó có 7 thành viên HĐQT, ban điều hành mua tổng cộng 7,05 triệu đơn vị trên 12 triệu cổ phiếu quỹ được bán ra.
Số lượng người quản lý, cán bộ quản lý chủ chốt tại một số công ty thành viên là 27 người, được mua 3,98 triệu cổ phiếu quỹ. Còn lại, 21 cán bộ được xem xét quy hoạch là cán bộ nguồn hoặc nhân sự chủ chốt được đào tạo và phát triển lâu dài với hệ thống Gelex được mua 970.000 cổ phiếu quỹ.
Đồng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện kế toán quản trị công chứng Úc tại việt Nam cho biết: "Bên cạnh việc người lao động không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì chương trình ESOP thông qua cổ phiếu quỹ còn giúp doanh nghiệp tránh được phần chi phí về lương. Rõ ràng là họ chi tiền mặt nhưng không phải thể hiện vào mục chi phí lương trên báo cáo, từ đó kéo kết quả kinh doanh sẽ "đẹp" hơn khi chi phí giảm và lợi nhuận tăng".
Do vậy, việc mua cổ phiếu quỹ để phát hành ESOP không chỉ là "một mũi tên trúng hai đích", mà là "một mũi tên trúng nhiều đích".