Thêm một tuần giao dịch nữa thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên, cụ thể, VN-Index tăng 16,96 điểm (1,6%) so với tuần trước đó lên 1.084,42 điểm. Toàn sàn có 254 mã tăng và 121 mã giảm.. HNX-Index cũng tăng 15,44 điểm (8,7%) lên 192,46 điểm. Toàn sàn có 174 mã tăng và 93 mã giảm. UPCoM-Index tăng 1,99 điểm (2,8%) lên 72,94 điểm.
Như vậy, VN-Index đã có tuần tăng điểm thứ 8 liên tiếp và chỉ còn kém chuỗi tăng kỷ lục 9 tuần liên tiếp hồi cuối năm 2017.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều đi lên trong tuần vừa qua. Không có quá nhiều cổ phiếu trog top 30 vốn hóa giảm, trong đó, nhiều cổ phiếu có mức tăng mạnh như GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) tăng 14,8%, VEA của Máy động lực và Máy Việt Nam (UPCoM: VEA) tăng 4,5%, BVH của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) tăng 8,4%..
Tăng giá
Trên sàn HoSE có 3 cổ phiếu tăng giá trên 30% là JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC), CCI của CIDICO (HoSE: CCI), QCG của Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) và TDC của Becamex TDC (HoSE: TDC). Trong đó, JVC tăng giá mạnh nhất với 35,2%. Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch HĐQT Thiết bị Y tế Việt Nhật đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu JVC để đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 24/12/2020 đến 22/1/2021. Ngay trong ngày 24/12, JVC xuất hiện giao dịch thỏa thuận 20 triệu cổ phiếu ở mức giá 5.200 đồng/cp, trị giá 104 tỷ đồng/cp. Ông Tuấn trong ngày 25/12 cũng có thông báo đã mua 20 triệu cổ phiếu JVC và hiện nắm giữ 17,78% vốn của doanh nghiệp này.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
"Tân binh" của sàn HoSE mà MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) cũng lọt vào top 10 cổ phiếu tăng giá với 23,3%. Ngày 23/12, 1,18 tỷ cổ phiếu MSB lên giao dịch tại sàn HoSE với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cp, sau 3 phiên giao dịch, MSB tăng lên mức 18.500 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 21.737 tỷ đồng đứng thứ 39 trên TTCK Việt Nam. MSB là ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HoSE trong năm nay, hiện thực hóa kế hoạch niêm yết theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019.
Tại sàn HNX, 2 cổ phiếu IVS của Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS) và BII của Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII) đều tăng giá trên 50%. Trong đó, IVS tăng giá mạnh nhất với 52,5%. Cổ phiếu IVS đi lên cùng chiều với sự bứt phá của ngành chứng khoán do đây là đối tượng được cho là hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán liên tục đi lên và thanh khoản duy trì ở mức rất cao như ở hiện tại.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Còn đối với BII, cổ phiếu này tăng 50% từ 2.000 đồng/cp lên 3.000 đồng/cp. Đáng chú ý, tính đến hiện tại, cổ phiếu này đang có chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp từ 1.500 đồng/cp lên 3.000 đồng/cp (gấp đôi).
Ở sàn UPCoM, toàn bộ 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn này đều có mức tăng trên 50%, trong đó, BTV của Dịch vụ Du lịch Bến Thành (UPCoM: BTV) và BWA của Cấp thoát nước & Xây dựng Bảo Lộc (UPCoM: BWA) đều tăng trên 90%. BTV tăng mạnh nhất với 98,1%. Trong tuần, BTV đã có cả 5 phiên tăng trần nhưng thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Do xu hướng thị trường là tích cực trong tuần qua nên mức giảm của đa số các cổ phiếu đều không quá mạnh. Tại sàn HoSE chỉ có 4 cổ phiếu giảm giá trên 10%, trong đó, CRC của Create Capital Việt Nam (HoSE: CRC) giảm giá mạnh nhất với 25,6%. Sau khi lên đỉnh hơn 2 năm 19.200 đồng/cp (11/12), cổ phiếu CRC giảm một mạch về chỉ còn 11.800 đồng/cp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Cổ phiếu CLG của Cotec Land (HoSE: CLG) cũng giảm giá 12,5%. Trong tuần, CLG chỉ có 2 phiên giao dịch và đều giảm sàn. Hiện cổ phiếu CLG đã bị tạm ngừng giao dịch kể từ 23/12 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Gần đây nhất, ngày 7/12 HoSE đã có công văn nhắc nhở Cotec Land về việc chậm nộp BCTC riêng và hợp nhất quý II/2020, BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2020 và BCTC riêng và hợp nhất quý III/2020.
Sàn HNX không ghi nhận cổ phiếu nào giảm giá trên 20%, trong khi đó, giảm giá mạnh nhất là cổ phiếu LM7 của LILAMA 7 (HNX: LM7) với 17,5%.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Tại sàn UPCoM, đa phần các cổ phiếu giảm giá mạnh đều thuộc diện thanh khoản rất thấp. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định (UPCoM: PND) khi giảm trở lại 31%. Trong tuần, PND đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp sau chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp trước đó.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.