• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 9:43:04 CH - Mở cửa
10 sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng Việt Nam năm 2020
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 28/12/2020 8:44:26 SA
Lãi suất giảm mạnh, chính sách tỷ giá USD/VND ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, mở hành lang pháp lý cho e-KYC, ban hành cơ chế tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng…

 
Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2020. 
 
Bất chấp một năm đầy thử thách, ngành ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng. Báo Thời báo Kinh Doanh điểm lại một số hoạt động, sự kiện nổi bật nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam năm 2020.
 
1. Ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN
 
Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Số liệu cập nhật đến ngày 25/12, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 - 25/12 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.
 
2. Lãi suất giảm mạnh
 
Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
 
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
 
Cùng với đó, kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động cũng giảm từ 1 - 2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Chẳng hạn, lãi suất dưới 6 tháng phổ biến còn 3,1- 4%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện phổ biến 3,5-6,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,5-7%/năm. Còn lãi suất không kỳ hạn đã về mức 0,1-0,2%/năm.
 
3. Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục gần 100 tỷ USD
 
Năm 2020 Việt Nam đã mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng NHNN đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện rất nhất quán và giữ được nền tảng ổn định cho nền kinh tế.
 
Dự kiến hết năm, NHNN nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên gần 100 tỷ USD, là mức cao nhất trong nhiều năm qua.
 
Có được con số ấn tượng trên một phần nhờ có nguồn ngoại tệ dồi dào từ lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 ước đạt 15,8 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP. Cùng với đó, tính từ đầu năm tới hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hoá vẫn duy trì trạng thái thặng dư với 19,42 tỷ USD.
 
4. Mở hành lang pháp lý cho e-KYC
 
Ngày 4/12/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư có hiệu lực từ 5/3/2021.
 
Trong đó, Thông tư bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC) - được xem là “cửa ngõ” để các ngân hàng triển khai ngân hàng số.
 
Theo đó, eKYC là hoàn toàn tự động trực tuyến, thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tùy thân, e-KYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua trí tuệ nhân tạo (AI), đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng... Quá trình xác minh chỉ mất vài phút.
 
Hệ thống xác minh danh tính kỹ thuật số này cũng cho phép các ngân hàng tự động lưu trữ thông tin khách hàng; đảm bảo khách hàng là có thật, đánh giá và giám sát rủi ro. Các quy trình này giúp ngăn ngừa và xác định hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các chương trình tham nhũng bất hợp pháp khác.
 
5. Chính thức mở đường tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng
 
Trong tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12, Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 1, Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018.
 
Theo đó, Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
 
Với việc sửa đổi nghị định trên, Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý, giúp các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, BIDV có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Riêng đối với Agribank có thể được tăng vốn từ ngân sách nhà nước.
 
6. Một năm thành công của điều hành tỷ giá
 
Tỷ giá các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh trong năm 2020 do chịu sự tác động nhiều chiều, trong đó tác động lớn nhất là từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND khá ổn định.
 
Điển nhấn của năm 2020 nằm ở tỷ giá trung tâm do NHNN công bố, với mức tăng khoảng 0,3% so với cuối năm 2019. Hướng tăng này được cho là sự chủ động của nhà điều hành để đưa tỷ giá trung tâm trở nên cân bằng hơn so với các mức tỷ giá giao dịch trên các thị trường.
 
Tỷ giá USD/VND sau khi biến động mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3 đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý II, III và quý IV. Nguyên nhân chính giúp tỷ giá USD/VND ổn định là nhờ xu hướng giảm giá rõ rệt của đồng USD trên thị trường quốc tế.
 
Ngoài ra, việc NHNN tích cực mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối trong vòng gần một năm qua cũng đã phần nào chặn đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và giúp đồng VND giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác trong rổ 6 đồng tiền tham chiếu, đặc biệt là với các đồng tiền như CNY, EUR, JPY...
 
7. “Nới” thêm thời hạn áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn
 
Đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy để các TCTD hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, NHNN ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
 
Theo đó, Thông tư chốt phương án các ngân hàng duy trì tỷ lệ tối đa của vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 40% đến ngày 30/9/2021 và sẽ hạ dần trong các năm tiếp theo.
 
Cụ thể là từ 1/20/2021 đến hết 30/9/2022, tỷ lệ hạ xuống là 37%; tiếp đó đến hết ngày 30/9/2023 còn 34%; sau đó chỉ còn 30%.
 
Như vậy, quyết định này nghĩa là đã lùi thêm một năm so với quy định đưa ra hồi cuối năm 2019.
 
8. Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ
 
Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo tháng 12/2020 về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
 
Cũng trong báo cáo này, Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) bị phía Bộ Tài chính Mỹ xác định là "thao túng tiền tệ".
 
Việc bị đưa vào danh sách trên được cho là một điểm áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2021.
 
9. Ngân hàng đua nhau chuyển sàn
 
Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
 
Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM như VietCapital Bank, NamABank, PGBank vào năm 2020.
 
Bên cạnh đó còn có các ngân hàng lớn hơn vừa niêm yết trực tiếp trên HoSE như MSB vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
 
Đáng chú ý, ngay cả các ngân hàng không chịu áp lực pháp lý vì đã niêm yết trên sàn HNX như SHB, ACB hoặc giao dịch trên UPCoM như VIB, LienVietPostBank cũng đã và đang tiến hành chuyển sàn.
 
10. NHNN lần đầu tiên có nữ Thống đốc
 
Tại Kỳ họp thư 10, Quốc hội khoá XIV, bà Nguyễn Thị Hồng đã được bầu làm Thống đốc NHNN, với 467 đại biểu Quốc hội (chiếm 97,08%) tán thành phê chuẩn.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng, 52 tuổi, quê Hà Nội, Thạc sỹ Kinh tế phát triển, có gần 30 năm công tác ngành ngân hàng. Bà Hồng được Thủ tướng bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc NHNN lần đầu vào tháng 8/2014, bổ nhiệm lại vào tháng 8?2019.
 
Như vậy, bà Nguyễn Thị Hồng đã trở thành nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.